Tham dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc; bà Trương Mỹ Hoa - Nguyên Uỷ viên BCHTW Đảng, Nguyên Phó chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; ông Mai Tiến Dũng - Uỷ viên BCHTW Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP; ông Nguyễn Hoàng Anh - Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp; ông Trần Hồng Hà - Uỷ viên BCH TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên & Môi trường; Thượng tướng Trần Đơn - Uỷ viên BCH TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Y Thanh Hà Nie Kđăm, Uỷ viên Dự khuyết BCH TW Đảng, Bí thư Đảng uỷ Khối doanh nghiệp Trung ương.
Tham dự Lễ khởi công còn có các lãnh đạo các Ban, Bộ ngành Trung ương: Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Nông Nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đại diện lãnh đạo các tỉnh thành phố: Sơn La, Lai Châu... Về phía tỉnh Hoà Bình có ông Ngô Văn Tuấn - Bí thư Tỉnh ủy, ông Bùi Văn Khánh - Chủ tịch UBND tỉnh. Về phía lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam có ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn, ông Trần Đình Nhân - Tổng Giám đốc Tập đoàn; đại diện các cơ quan: Ban chỉ đạo Quốc gia về phát triển Điện lực; Hội đồng Tư vấn khoa học & Công nghệ về an toàn hệ thống thủy điện trên bậc thang thuỷ điện sông Đà, Hội đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam; Trường Đại học Thủy Lợi; Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia. Tham dự buổi lễ còn có các đối tác, các ngân hàng và tổ chức tín dụng: Cơ quan phát triển pháp AFD; Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Về phía liên danh nhà thầu thi công xây dựng có đại diện lãnh đạo các đơn vị: Tổng công ty xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng) - Công ty cổ phần xây dựng 47 - Công ty cổ phần Lilama 10.
Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng là công trình công nghiệp thuộc nhóm A đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư và giao Ban QLDA Điện 1 làm đại diện Chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư là 9220,83 tỷ đồng, trong đó EVN tự thu xếp khoảng 30% và 70% còn lại bao gồm: Nguồn vốn vay thương mại trong nước là 4.000 tỷ đồng do Ngân hàng Vietcombank thu xếp và vốn vay thương mại nước ngoài không có bảo lãnh chính phủ là 70 triệu EUR của Cơ quan phát triển Pháp (AfD). Dự án có tổng công suất đặt 480 MW, bao gồm 2 tổ máy, mỗi tổ có công suất 240 MW. Sản lượng phát điện bình quân hàng năm khoảng 488,3 triệu kWh/năm. Tư vấn thiết kế dự án là Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 1. Tổ hợp nhà thầu thi công xây lắp chính của dự án là liên danh các đơn vị: Tổng công ty xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng) - Công ty cổ phần xây dựng 47 - Công ty cổ phần Lilama 10. Sau khi hoàn thành công trình NMTĐ Hòa Bình mở rộng với công suất 480 MW sẽ nâng tổng công suất của toàn bộ NMTĐ Hòa Bình đạt 2400 MW.
Dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng nằm bên bờ phải tuyến đập thủy điện Hòa Bình hiện hữu. Nhà máy nằm trên địa bàn phường Phương Lâm, cửa lấy nước và kênh vào thuộc phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng sẽ sử dụng chung các hạng mục hồ chứa, đập dâng, đập tràn với công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình hiện nay. Phần xây dựng mới bao gồm các hạng mục: Kênh dẫn vào, cửa lấy nước, đường hầm dẫn nước, nhà máy. Tổng diện tích sử dụng đất của công trình là 99,62 ha, trong đó có 69,30 ha là diện tích sử dụng đất tạm thời phục vụ việc thi công xây dựng dự án.
Dự án sau khi hoàn thành và đưa vào vận hành sẽ mang lại các hiệu quả: Tăng khả năng phát công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia, tạo điều kiện khai thác tối đa nguồn nước xả thừa hàng năm vào mùa lũ của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình hiện hữu để phát điện; Nâng cao khả năng điều tần, ổn định tần số của hệ thống điện quốc gia; góp phần giảm chi phí của hệ thống; giảm cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa.
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định các công trình thuỷ điện lớn trên dòng Sông Đà như Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu là biểu tượng của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Các nhà máy thuỷ điện này đã góp phần rất quan trọng trong việc điều tiết lũ, phát điện, giao thông thuỷ và cấp nước cho hạ du. Thủ tướng Chính phủ cũng đã biểu dương sự cố gắng nỗ lực trong lao động sản xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và có nhiều đóng góp trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đồng thời góp phần nâng cao vị thế quốc gia. Đối với dự án công trình thuỷ điện Hoà Bình mở rộng, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao và biểu dương tinh thần làm việc nghiêm túc, khẩn trương của EVN trong việc tổ chức các công việc chuẩn bị đầu tư, lập và phê duyệt thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và dự toán xây dựng công trình, thực hiện xây dựng hạ tầng giao thông… Thủ tướng Chính phủ cũng đánh giá cao và biểu dương Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên - Môi trường, UBND tỉnh Hòa Bình và các cấp chính quyền địa phương... đã tổ chức thẩm tra, phê duyệt, giải phóng mặt bằng, chỉ đạo để EVN hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư công trình đúng pháp luật hiện hành, đảm bảo an toàn, hiệu quả, không làm ảnh hưởng môi trường.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, nhà thầu xây dựng công trình trong việc tổ chức điều hành xây dựng công trình đảm bảo an toàn, đúng tiến độ, đạt hiệu quả cao, hạn chế ảnh hưởng môi trường.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ Ngành Trung ương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cam kết sẽ tổ chức triển khai và quản lý chặt chẽ dự án, đồng thời tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương. Đồng thời, EVN cũng yêu cầu Liên danh nhà thầu tập trung nguồn lực, nhân lực, thiết bị hoàn thành gói thầu đảm bảo an toàn, tiến độ, chất lượng và đảm bảo các yêu cầu về môi trường, xã hội trong quá trình triển khai xây dựng theo đúng quy định của Hợp đồng.
Anh Minh