Theo đó, Lễ khởi công được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính tại TP. Hồ Chí Minh kết nối với các điểm cầu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Đắk Lắk.

Báo cáo tại lễ khởi công, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 57/2022/QH15 của Quốc hội.

Dự án có tổng chiều dài 76,3km đi qua 4 địa phương, trong đó TP. Hồ Chí Minh với 47,35km; các tỉnh Đồng Nai, với 11,26km; Bình Dương, với 10,76km; Long An, với 6,81km.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cùng các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cùng các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công (Ảnh: Thanhuytphcm.vn)

Dự án được phân chia làm 8 dự án thành phần, gồm: 4 dự án thành phần xây dựng, 4 dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn 4 tỉnh, thành phố.

Dự án có quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 8 làn xe cao tốc, cấp đường ô tô cao tốc 100 km/h; đường song hành 2 bên, cấp đường ô tô đô thị 60 km/h. Quy mô giai đoạn phân kỳ 4 làn xe cao tốc, đường song hành hai bên, đầu tư không liên tục. Với tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng được đầu tư bằng ngân sách trung ương và ngân sách các địa phương; tiến độ cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.

Phối cảnh nút giao Vành đai 3 với cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây
Phối cảnh nút giao Vành đai 3 với cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (Ảnh: TCIP)

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 59/2022/QH15.

Dự án có chiều dài khoảng 53,7 km (tỉnh Đồng Nai khoảng 34,2 km; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 19,5 km), trong đó điểm đầu nối với tuyến tránh Ql1A đoạn tránh TP. Biên Hòa, vị trí cách ngã ba Vũng Tàu 6,5 km (cách điểm giao giữa tuyến tránh Biên Hòa với QL51 khoảng 1,5 km); điểm cuối tại nút giao với QL56 thuộc TP. Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trong giai đoạn 1, dự án có quy mô 4 đến 6 làn xe theo từng đoạn tuyến, trong đó đoạn 1 từ điểm đầu dự án đến nút giao Long Thành và đoạn 3 từ nút giao Tân Hiệp đến điểm cuối dự án quy mô 4 làn xe cao tốc, bề rộng nền đường từ 24,75m đến 27,00m; đoạn 2 từ nút giao Long Thành đến nút giao Tân Hiệp quy mô 6 làn xe cao tốc, bề rộng nền đường từ 32,25m đến 34,5m.

Trong giai đoạn hoàn thiện sẽ thực hiện mở rộng bảo đảm quy mô 6 - 8 làn xe cao tốc. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 17.837 tỷ đồng, được đầu từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, được chia làm 3 dự án thành phần.

Đối với dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 58/2022/QH15.

Dự án có điểm đầu tại nút giao giữa QL26B và QL1, khu vực cảng Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hòa; điểm cuối: Giao với đường Hồ Chí Minh tránh phía đông TP. Buôn Ma Thuột (khoảng km12+450), tỉnh Đắk Lắk; tổng chiều dài đoạn tuyến: khoảng 117,5 km (tỉnh Khánh Hòa 32,7 km; tỉnh Đắk Lắk 84,8 km).

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 21.935 tỷ đồng, được chia làm 3 dự án thành phần. Khi hoàn thành, tuyến đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 sẽ góp phần hình thành trục ngang kết nối vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ, kết nối hệ thống trục dọc (đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, đường Hồ Chí Minh, QL1, đường bộ ven biển), phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, đáp ứng nhu cầu vận tải; tạo dư địa, động lực phát triển không gian vùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển.

Hoàng Bách