Kết quả giám sát trên diện rộng cho thấy, không phát hiện mẫu vi phạm chất cấm Salbutamol trong 3.500 mẫu nước tiểu, 603 mẫu thịt tại các cơ sở giết mổ; tỷ lệ mẫu thịt vi phạm chỉ tiêu vi sinh vượt mức giới hạn cho phép là 1.500 mẫu, chiếm 27,5%; tỷ lệ mẫu thuỷ sản nuôi vi phạm chỉ tiêu hoá chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép là 6 mẫu, chiếm 0,58%.
Bộ cũng đã lấy 167 mẫu quả thanh long, xoài, vải giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả phân tích.
“Các kết quả giám sát cho thấy đã kiểm soát được việc sử dụng chất cấm Salbutamol trong chăn nuôi, tồn dư thuốc kháng sinh trong thịt, thuỷ sản đã giảm. Tuy nhiên, các cơ quan cần tăng cường kiểm soát thuốc thú y, hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản”, văn bản nêu rõ.
Về kết quả kiểm tra đột xuất 135 cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thuỷ sản như thịt, rau, củ, quả, hải sản…, Bộ đã phát hiện và xử phạt 30 cơ sở vi phạm về chất lượng an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt 895 triệu đồng.
Riêng nạn bơm tôm tạp chất tại một số cơ sở, Bộ NN&PTNT phối với Bộ Công an thanh tra đột xuất, phát hiện 1 cơ sở tại Kiên Giang có 17 kg tôm sú nguyên liệu bơm agar, cơ quan chức năng đã xử phạt 60 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng chỉ đạo các địa phương tiếp tục kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thuỷ sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Kết quả cho thấy, tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thuỷ sản được kiểm tra đạt yêu cầu điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm là 96,7% (4.396/4.544 cơ sở được kiểm tra), tăng so với năm 2016 (91%).
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra, xác minh sự cố an toàn thực phẩm như giết mổ lợn chết, kho lạnh bảo quản thực phẩm ôi thiu, tiêm thuốc an toàn cho thực phẩm…
Hoan Nguyễn