Mất nước liên tục, bể phốt nứt vỡ làm tràn nước thải vệ sinh ra ngoài, bốc mùi hôi thối; tường bong tróc, mốc xỉn, các hộp kĩ  thuật chắp vá qua loa… là những tồn tại đáng lo ngại ở khu tái định cư Đền Lừ (Hoàng Mai, Hà Nội). Chất lượng xây dựng kém, cùng với công tác bảo trì, tu sửa thiếu đồng bộ đã khiến chất lượng nhà ở của khu tái định cư Đền Lừ ngày càng xuống cấp trầm trọng.


Nền nhà bị bong tróc, gạch đá ngổn ngang khiến nhiều người tưởng đây là nhà để xe bị bỏ hoang

Hệ thống thoát nước: Hỏng

Vừa bước chân đến cổng tòa nhà A1 (khu tái định cư Đền Lừ), chúng tôi đã bị “chết ngạt” bởi mùi hôi thối bốc lên từ phía tầng hầm khu nhà để xe. Ông Hoàng Quân (nhân viên bảo vệ của tòa nhà) cho biết: “Tình trạng này xảy ra gần cả tháng nay rồi. Giờ này mọi người chưa đi làm về nên lượng nước dùng còn chưa nhiều, chứ đợi một lúc nữa, tầm 6-7giờ tối thì mùi hôi thối bốc lên còn ghê hơn nữa. Nhiều đêm, các ống dẫn nước thải bị tắc, nước thải vệ sinh từ các bể phốt tràn ra mặt nền nhà xe. Không chịu đựng được, tôi phải thức đêm, tự thông, tự hót đống chất thải kinh khủng này”. “Bây giờ bảo vệ như chú kiêm luôn cả nhân viên môi trường, không biết đến bao giờ mới thoát khỏi cái cảnh này”, ông Quân nói thêm với nụ cười méo xệch.

Hầu hết những hộ dân Tổ dân cư số 14, nhà A1 khu tái định cư Đền Lừ II, đều là những gia đình theo diện giải tỏa cầu Vĩnh Tuy, chuyển về đây sinh sống từ năm 2005. Tuy nhiên, chỉ sau gần 3 năm đưa vào hoạt động, cơ sở hạ tầng của nhà A1 đã xuống cấp nghiêm trọng. Người dân đã nhiều lần trực tiếp và gián tiếp (qua văn bản) đề nghị các cấp, các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết những vấn đề bức xúc mà họ đang phải đối mặt. Thế nhưng, đâu lại vào đấy, tình trạng “sửa rồi lại chờ sửa” đã khiến người dân quá chán với cảnh viết đơn thư kiến nghị, bởi vì có kêu mãi thì cũng thế. Người dân đành chấp nhận “tự cứu mình”, hỏng đến đâu sửa đến đấy.

Theo nhiều hộ dân, do sụt lún và lỗi kỹ thuật trong xây dựng khiến nhà gửi xe trong suốt một thời gian dài phải chịu cảnh ngập nước thải. Nguyên nhân là do nước từ bể phốt tắc không thoát được, nền để xe thì lún xuống khiến nước dâng lên ngập đến tận mắt cá chân. Những hôm trời mưa to, nhà xe ngập lênh láng, người dân phải xếp những viên gạch thành hàng, rồi đi trên những viên gạch đó. Họ dắt xe ra, vào nhà xe mà như đi… biểu diễn xiếc.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Phê- Tổ trưởng Tổ dân phố 84, nhà A1, cho biết: “Tết vừa rồi, dân bức xúc nhiều quá, cho nên chúng tôi đã đi xin tiền của các nhà hảo tâm và những người dân xung quanh được gần 20 triệu để sơn lại mặt tiền của 11 tầng nhà. Tổ dân phố và bảo vệ phải tự bỏ tiền ra để làm lại góc sân nhà để xe. Nếu các cháu đến đây trước Tết thì mới thấy cảnh khổ của người dân chúng tôi như thế nào. Hầu như bề mặt tường bị bong tróc, vỡ ra rơi xuống sân tòa nhà rất nguy hiểm, các hố ga bị lật lên bốc mùi, đường thoát nước thì có, nhưng nước không thoát được, những hộp kĩ thuật hầu như bị mốc hết, các góc nhà bị sụt lún, tường bị nứt nẻ”.

Không chờ được xí nghiệp đến sửa chữa, người dân tự lật hố ga lên để thông cống; khiến mùi hôi thối bốc lên khó chịu

Theo quan sát của chúng tôi, tại tòa nhà A1, toàn bộ gạch nền khu vực tầng 1 đã bị lún, nứt thảm hại. Từ khu vực sảnh vào đến nhà dành cho bảo vệ, thậm chí ngay cả gạch nền trên một số tầng cũng đã bị biến dạng, đất đá lởm chởm,  nền sụt lún, gạch vỡ ngổn ngang, trông chẳng khác một công trường. Nền sụt lún nên hệ thống thoát nước thải của tòa nhà cũng bị ứ đọng và nứt gãy, gây tắc nghẽn nghiêm trọng...

Bà Phê còn cho biết thêm: “Do nền nhà bị sụt lún xuống nên bên trong chèn vào hệ thống nước thoát của nhà xe, hệ thống bể phốt hầu như là không tiêu được. Bức xúc quá, dân chúng tôi đã tự đóng góp 3 đợt, được gần 70 triệu; hút 3 lần bể phốt rồi mà vẫn bị đóng băng lại, cho nên, dù hôi thối khủng khiếp vẫn phải mở ra để hút vì đường thoát nước không tiêu được. Người dân nơi đây thường xuyên phải sống chung với... chất thải. Do đường thoát nước thải bị tắc nghẽn, chất thải vệ sinh không tiêu thoát được nên bốc mùi nồng nặc”.

Bà Phê cho biết thêm, mỗi lần tắc cống, tổ dân phố đều có kiến nghị với các cấp chính quyền, nhưng càng kêu, càng vô vọng. Có lẽ vì quá bức xúc với những vấn đề trên nên những lỗi khác như ngấm, dột, hỏng bóng đèn... người dân nơi đây cũng đã tự khắc phục.

Bà Phê  chỉ cho phóng viên thấy  những khu vực tường bị nứt nẻ, bong tróc rất nguy hiểm, cần phải sửa chữa gấp.

Hệ thống cấp nước: Cũng hỏng

Trái với thực trạng nước dành cho sinh hoạt chảy tràn lênh láng khắp các tầng nhà như khu tái định cư Đồng Tàu (Thanh Liệt, Hoàng Mai, HN), thì tại khu tái định cư Đền Lừ II, hàng ngày, người dân đang phải đối mặt với cảnh mất nước liên tục. Các nhà ở từ tầng 8 trở lên hầu như không có nước, trong khi đó tiêu chuẩn lượng nước của mỗi hộ gia đình là được cấp 40 m3/hộ/tháng.

Tình trạng không đủ nước dùng diễn ra liên tục trong nửa năm nay. Theo các hộ dân ở đây, lúc có nước thì lại hỏng máy bơm. Cả tòa nhà có 3 cái máy bơm thì chỉ duy nhất 1 cái sử dụng được. Tiền nước thì do nhà máy nước thu tiền, nhưng cấp nước lại do Xí nghiệp quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị vận hành máy bơm nước. Thế nên, người dân rơi vào cảnh “cha chung không ai khóc”.

Theo người dân ở đây, cứ mỗi lần hỏng hóc cần phải sửa chữa, họ đều viết đơn kiến nghị gửi lên Xí nghiệp quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị, song dù đã gửi bao nhiêu đơn đi nhưng họ cũng chẳng được hồi âm và giải quyết, nếu có thì giải quyết rất qua loa. Xí nghiệp vẫn cho người xuống kiểm tra và khắc phục, nhưng hầu như đều sửa chữa theo kiểu chắp vá, được một thời gian ngắn thì lại tiếp tục hỏng hóc như trước.

Theo quyết định số 19/2013/QĐ-UBND “Về việc Ban hành quy chế quản lý và sử dụng nguồn kinh phí bảo trì nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội” của UBND thành phố Hà Nội ngày 24/6/2013, có nêu: Hàng năm Nhà nước có nguồn kinh phí thực hiện bảo trì nhà chung cư là khoản kinh phí 2% (tính theo giá bán do Nhà nước quy định) để bảo trì phần diện tích sử dụng chung và hạ tầng kĩ thuật bên ngooài. Nhưng khi hỏi người dân ở đây có biết thông tin này không thì tất cả họ đều bảo là không biết và họ không được thông báo về khoản kinh phí bảo trì.

“Đợt này, may có ông Giám đốc bên Xí nghiệp quản lý khu đô thị bảo chúng tôi viết đơn kiến nghị, để sắp tới sửa xong bên khu Đồng Tàu thì họ sang sửa bên này, nên bây giờ chúng tôi mới biết mà viết đơn, họ có nói là sắp tới sẽ tới sửa đấy, thế nên chúng tôi cứ chờ”, bà Phê cung cấp thêm. Thế nhưng, không biết người dân nơi đây sẽ lại phải “chờ” đến bao giờ.

Trước mùa mưa bão đang đến gần, hàng trăm người dân tại khu tái định cư này vẫn đang từng ngày, từng giờ đối mặt với tình trạng xuống cấp trầm trọng của tòa nhà, đặc biệt là những hiểm họa chực chờ. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Trần Anh- Hoàng Thảo