Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia về thực phẩm, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, hiện nay nhiều gia đình vì quá bận rộn hoặc giữ thói quen không tốt đó là tích trữ thực phẩm trong tủ lạnh đến cả tháng, điều này là không nên vì trước hết thực phẩm hiện nay rất nhiều và sẵn nên có thể mua và dùng ngay được, trong khi đó nếu bảo quản thực phẩm lâu trong tủ lạnh có thể làm giảm chất lượng, mất độ tươi, ngon. Mặc dù bảo quản trong điều kiện lạnh như vậy nhưng vẫn có những vi sinh vật phát triển gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe khiến người sử dụng tăng nguy cơ mắc bệnh.

 Khuyến cáo bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh không đúng cách sẽ biến thành chất độc! - Hình 1

Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh không đúng cách có thể gây nguy hại cho sức khỏe

Để việc bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh được hiệu quả và tươi ngon, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, các bà nội trợ nên chú ý đến việc vệ sinh tủ lạnh. Trong tủ lạnh hay có hiện tượng đọng đá, những nước đá đọng lại ấy có mang những vi khuẩn của những thực phẩm trước vô hình chung khiến thực phẩm bị lây nhiễm vi khuẩn. Trong tủ lạnh có những thực phẩm tươi sống hoàn toàn như thịt, cá nhưng cũng có những loại thực phẩm đã được nấu chín như giò, chả. Nếu chúng ta để chung cùng một nơi sẽ xảy ra hiện tượng “nhiễm chéo” từ những thực phẩm tươi sống sang thực phẩm chín.

 Đồng thời, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, cần chia nhỏ thực phẩm thành từng phần trước khi cho vào tủ lạnh bảo quản. Khi nhiệt độ hạ xuống để thực phẩm đông cứng lại, bà nội trợ mang ra cả khối thực phẩm và dùng dao chặt nhỏ lấy một phần để sử dụng, thì phần thực phẩm không sử dụng tới sẽ bị tan đá và lại bị nhiễm vi khuẩn. Vì vậy, nếu sử dụng thực phẩm kích thước lớn chúng ta nên làm sạch sau đó thái thành từng miếng vừa phải cho từng bữa ăn, bọc lại rồi mới bỏ vào trong tủ lạnh để khi ăn chúng ta ăn phần nào lấy ra phần ấy.

Về vấn đề rã đông, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, khi lấy thực phẩm từ trong tủ lạnh, người dân thường có thói quen cho vào nước nóng để làm tan đá, làm lãng phí chất dinh dưỡng bởi vì tế bào bị vỡ ra, thoát ra ngoài cùng nước, làm giảm chất dinh dưỡng. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo, nên cho thực phẩm từ ngăn đá xuống ngăn dưới để làm tăng nhiệt độ từ từ sau đó mang ra ngoài thì thực phẩm sẽ tan đá và không bị mất chất dinh dưỡng.

Cũng theo khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) để bảo quản hải sản, thịt sống, gia cầm nên được bảo quản trong phần lạnh nhất của tủ lạnh càng sớm càng tốt, điều này sẽ giúp ngăn chặn vi khuẩn sinh sôi, đảm bảo an toàn cho người dùng. Bên cạnh đó, cần đặt chúng trên một cái đĩa hoặc vật chứa, tránh cho nước từ thực phẩm nhỏ vào thức ăn khác. Cố gắng giữ riêng từng loại sản phẩm để tránh nhiễm chéo. Hải sản, thịt sống có thể được bảo quản khỏi vi khuẩn và không bị ô nhiễm trong tối đa bốn ngày. Đối với thịt đã nấu chín, tổng cộng là 3 ngày. Lưu ý với những loại thủy hải sản như cá, tôm, cua... cần được bảo quản lạnh ngay lập tức nếu bạn không chế biến ngay sau khi đem về. Và với các loại thịt khi sử dụng, bạn không nên rã đông ở nhiệt độ phòng mà nên có kế hoạch trước và để cho thịt, cá tan băng ở ngăn mát của tủ lạnh. Bạn có thể sử dụng các loại tủ có tính năng cấp đông mềm để bảo quản các loại thịt cá cần sử dụng trong thời gian ngắn. Khi để ở -1 độ C, thực phẩm sẽ có một lớp băng mỏng bên ngoài, không bị đông đá bên trong, nhờ đó người dùng có thể thái cắt dễ dàng mà không tốn nhiều công sức rã đông, giúp giảm thiểu đáng kể thời gian và quy trình chuẩn bị bữa ăn.

Đối với việc bảo quản trái cây và rau quả cần có cách riêng biệt, nếu không rau sẽ hấp thụ khí ethylene thải ra từ một số loại trái cây và sẽ bị hư hỏng sớm. Tốt hơn là đặt rau và hoa quả trong các ngăn riêng biệt được cung cấp. Nên phân loại rau, để chúng trong túi đựng đã được chọc thủng vài lỗ để thoáng khí. Hãy để các loại rau củ nặng hơn như cà rốt, su hào, bắp cải... xuống dưới, sau đó để các loại rau ăn lá lên trên. Nếu thấy rau quá bẩn, bạn có thể rửa sạch, để khô nước (thấm bằng giấy ăn) trước khi cho vào tủ. Với một số loại trái cây phát hành khí ethylene như chuối, bơ, đào, mơ... không cần phải được bảo quản trong tủ lạnh bởi chúng sẽ khiến thực phẩm gần đó chín hoặc nhanh hỏng hơn. Điều này cũng đúng với một số loại rau củ như khoai tây, hành tây, tỏi, cà chua, bí ngô... chúng sẽ để được lâu hơn nên lưu trữ ở nhiệt độ phòng.

Đối với việc bảo quản trứng, các sản phẩm từ sữa, theo Cục An toàn thực phẩm nhiều người có thói quen để trứng ở cánh cửa tủ lạnh. Tuy nhiên, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo nên để trứng ở các ngăn chính để có thể duy trì nhiệt độ ổn định, giúp trứng tươi lâu hơn. Ngoài ra, trứng nên được giữ trong các hộp đóng gói ban đầu để giảm nguy cơ bị vỡ. Về cơ bản, trứng là sản phẩm có thể kéo dài trong một thời gian dài (3 đến 5 tuần).

Riêng đối với sữa thanh trùng có thời hạn ngắn và dễ hỏng hơn các loại sữa tươi đóng hộp khác. Do đó, theo Cục An toàn thực phẩm loại thực phẩm này nên được bảo quản ở ngăn chính tủ lạnh thay vì ở cánh cửa, nơi nhiệt độ không ổn định. Đồng thời, cũng cần cho ngay sữa vào tủ lạnh khi đem về từ siêu thị, cửa hàng, không để ở nhiệt độ phòng quá lâu. Đối với các sản phẩm từ sữa như phô mai, sau khi sử dụng còn dư cần được bảo quản trong hộp kín, tránh lây nhiễm vi khuẩn từ thực phẩm khác. Còn với bơ thì để nguyên chúng trong hộp đựng ban đầu, và giữ trong cửa tủ lạnh. Tuy nhiên đừng bảo quản chúng lâu hơn 6 tháng.

Về bảo quản thức thừa và các sản phẩm khô trong tủ lạnh, theo Cục An toàn thực phẩm thức ăn thừa phải được giữ trong các hộp đựng chuyên dụng kín, làm như vậy để tránh mùi không lan ra các đồ ăn khác, không nên bảo quản quá hai ngày. Không cần phải lưu trữ các sản phẩm khô trong tủ lạnh vì độ ẩm sẽ làm hỏng độ giòn của thực phẩm. Nếu có lưu trữ hãy để các sản phẩm khô vào bình chứa kín và khô ráo...

Đ.H