Nhằm đảm bảo việc thực hiện tốt Luật ATTP để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, Bộ Y tế đã có những biện pháp siết chặt công tác quản lý ATTP. Việc kiểm nghiệm thực phẩm là một hình thức kiểm soát chất lượng, bắt buộc thực hiện định kỳ trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra trong bộ hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp phải đính kèm theo bản kế hoạch giám sát định kỳ, trong bản kế hoạch này mô tả tần suất và nội dung kiểm nghiệm sản phẩm theo quy định Nhà nước.
Sau khi doanh nghiệp đã hoàn thành các thủ tục công bố sản phẩm phù hợp quy định an toàn thực phẩm luôn chịu sự giám sát của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tại địa phương về việc kiểm nghiệm định kỳ thông qua thanh tra, kiểm tra đột xuất tại cơ sở sản xuất, kinh doanh. Quy định này căn cứ điều 12, 13 – chương IV trong Thông tư 19/2012/TT-BYT của Bộ Y tế.
Việc lấy mẫu kiểm nghiệm định kỳ được thực hiện bởi tổ chức, cá nhân hoặc tổ chức, cá nhân chủ động mời cơ quan có thẩm quyền thực hiện. Các chỉ tiêu để kiểm nghiệm định kỳ là các chỉ tiêu chất lượng chủ yếu đã công bố trong bản thông tin chi tiết về sản phẩm hoặc trên nhãn sản phẩm đang lưu hành cùng một số chỉ tiêu hóa lý, vi sinh vật đã công bố trong bản thông tin chi tiết về sản phẩm hoặc theo quy định.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần hiểu đúng về các thông tin ghi trên nhãn sản phẩm thực phẩm chức năng. Hiểu đúng về các nội dung ghi trên nhãn mác để chọn sản phẩm thực phẩm chức năng phù hợp với mục đích sử dụng là thói quen cần có đối với mỗi người tiêu dùng.
Để tránh việc người tiêu dùng hiểu sai sản phẩm thực phẩm chức năng là thuốc chữa bệnh, các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều thông tư, nghị định quy định về việc ghi nhãn các sản phẩm thực phẩm chức năng. Mới nhất là Nghị định 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về nhãn hàng hóa ban hành ngày 14/4/2017, có hiệu lực thi hành bắt đầu từ ngày 1/6/2017, thay thế cho Nghị định 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006.
Trong đó, những nội dung bắt buộc ghi trên nhãn hàng hóa thực phẩm chức năng mà nhà sản xuất và người tiêu dùng cần nắm được đó là: định lượng của sản phẩm; ngày sản xuất; hạn sử dụng; thành phần hoặc giá trị dinh dưỡng; hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản; công bố khuyến cáo về nguy cơ (nếu có); ghi rõ cụm từ “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe”; ghi rõ cụm từ “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; nguồn gốc, xuất xứ và thương nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm.
Trang Hà