Theo đó, Sở Y tế các tỉnh thành phải chỉ đạo bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng trực thuộc chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc điều trị cúm, nhất là thuốc điều trị cúm A (thuốc Tamiflu và các thuốc chứa hoạt chất oseltamivir), không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc.
Đối với các bệnh viện, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định về quản lý giá thuốc, không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng và đẩy giá thuốc tăng cao nhằm trục lợi.
Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến cho các cơ sở y tế, cơ sở kinh doanh dược và người dân về việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị cúm theo đúng quy định; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh các thuốc kháng virus dùng trong điều trị cúm, thuốc điều trị cúm A và xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý.
Các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các thuốc điều trị cúm, trong đó có các thuốc điều trị cúm A, phải khẩn trương lên kế hoạch sản xuất, nhập khẩu thuốc để bảo đảm nguồn cung ứng phục vụ công tác điều trị và thực hiện các hợp đồng cung ứng thuốc với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo kết quả trúng thầu đã ký kết. Các cơ sở bán lẻ thuốc có trách nhiệm hướng dẫn đầy đủ cho người dân về việc sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và hướng dẫn sử dụng thuốc để bảo đảm an toàn, hiệu quả; niêm yết giá thuốc và bán theo giá niêm yết, tuyệt đối không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng và đẩy giá thuốc tăng cao nhằm trục lợi.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo SGGP, do lo ngại dịch bệnh cúm A tăng bất thường, rất nhiều người tìm mua các loại thuốc điều trị cúm, nhất là thuốc Tamiflu, khiến các mặt hàng này bị đẩy giá lên cao. Từ tháng 06/2022 về trước, thuốc Tamiflu có giá bán phổ biến khoảng 450.000 đồng/hộp, thì cuối tháng 7 đã tăng lên 530.000-550.000 đồng/hộp nhưng không dễ mua. Một số cửa hàng thuốc tại khu vực “chợ thuốc” Hapulico (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, giá thuốc tăng cao không phải do hãng cung cấp tăng giá mà do nhu cầu mua sử dụng và tích trữ của người dân tăng mạnh và một số đầu mối thu gom, ôm giữ hàng.
Cùng với đó, một số kit xét nghiệm cúm A cũng được rao bán tràn lan và đẩy giá lên 80.000-90.000 đồng/kit... Bác sĩ Vũ Quốc Đạt, giảng viên Bộ môn Truyền nhiễm, Đại học Y Hà Nội, thành viên Mạng lưới Đánh giá và Ứng phó về lâm sàng các bệnh mới nổi của WHO, khuyến cáo người dân không nên tự ý mua Tamiflu để điều trị bệnh cúm, vì thuốc Tamiflu hiện nay chủ yếu sử dụng đối với bệnh nhân mắc cúm nặng, hoặc đối tượng có nguy cơ bệnh tiến triển nặng. Nếu sử dụng Tamiflu không đúng cách, dễ dẫn đến tình trạng kháng thuốc.
Trang Nguyễn