Quá nhiều bất cập

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã chỉ rõ nhiều hạn chế, bất cập về hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn tại 3 dự án đầu tư xây dựng: Dự án thành phần xây dựng 2.220 căn hộ chung cư, Dự án đầu tư xây dựng khu 2 (1.570 căn hộ) và Dự án đầu tư xây dựng khu 3 (1.080 căn hộ) thuộc Dự án Khu dân cư tái định cư 38,4 ha (phường Bình Khánh, quận 2, thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm).

Theo KTNN, đối với chương trình 30.000 căn hộ, các sở, ngành, quận huyện chưa có kế hoạch để cụ thể hóa chủ trương đầu tư xây dựng của thành phố, từ khi triển khai thực hiện đến nay, thành phố chưa sơ kết đánh giá về tổ chức thực hiện chương trình mà chủ yếu đánh giá khi có yêu cầu.

Việc xác định nhu cầu quỹ nhà đất tái định cư cho dự án còn hạn chế, bất cập dẫn đến việc đầu tư xây dựng và mua quỹ nhà, đất tái định cư cao hơn so với thực tế bố trí và tồn đọng quỹ nhà tương đối nhiều.

Cụ thể, việc xác định nhu cầu tái định cư - Dự án KĐT mới Thủ Thiêm còn một số bất cập, chưa đầy đủ thông tin và khả năng dự báo dẫn đến việc lập phương án đầu tư xây dựng 12.500 căn hộ phục vụ tái định cư chưa phù hợp nhu cầu thực tế. Tại phương án tái định cư - tạm cư - Dự án KĐT mới Thủ Thiêm, ngoài việc bố trí tái định cư bằng chung cư, còn có hình thức tái định cư bằng đất nền, nhưng số lượng đất nền không được tính toán hợp lý để loại trừ khi xác định quỹ căn hộ cần xây dựng để bố trí tái định cư. Dẫu đó, mặc dù đến cuối 2016, thành phố mới chỉ thực hiện mua lại 6.714 căn hộ đã hoàn thành đưa vào bố trí tái định cư, nhưng tính đến ngày 31/8/2017, cũng chỉ mới bố trí tái định cư được 1.759 căn (bằng 14% so với chủ trương xây dựng 12.500 căn, bằng 26% so với số lượng căn hộ đã mua lại).

Hầu hết các quận, huyện đều dự báo số lượng nhà đất cần để bố trí tái định cư cho các dự án cần giải phóng mặt bằng theo số hộ bị ảnh hưởng toàn bộ (giải tỏa trắng) mà chưa dựa trên cơ sở số hộ gia đình, cá nhân đủ điều kiện được tái định cư, cũng như trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện tái định cư thực tế qua các năm của các dự án đã hoàn thành. Bởi vậy, việc xác định nhu cầu quỹ nhà, đất tái định cư luôn cao hơn so với thực tế thực hiện.

Kiểm toán Nhà nước: Chỉ rõ nhiều sai phạm đất đai tại TP. HCM - Hình 1

Việc xác định nhu cầu tái định cư của Dự án KĐTM Thủ Thiêm còn nhiều bất cập

Lãng phí nguồn vốn

KTNN chỉ rõ, một số dự án đầu tư xây dựng, mua căn hộ hoàn chỉnh có thời gian đầu tư xây dựng kéo dài, việc bố trí tái định cư chậm (thậm chí một số dự án không bố trí được), chi phí vận hành cao, hiệu quả thấp gây lãng phí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách.

Chẳng hạn, Khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), mục tiêu dự án dùng để phục vụ tái định cư các hộ dân thuộc Dự án Nâng cấp đô thị, được thành phố quyết định đầu tư từ năm 2004, với quy mô 531 nền đất và 2.240 căn hộ trên khu đất 30,9 ha có hạ tầng đồng bộ, tổng mức đầu tư là 542.680 triệu đồng, tiến độ đầu tư từ 2004 - 2005. Đến tháng 8/2007, thành phố điều chỉnh số lượng căn hộ xuống còn 1.939 căn hộ, nhưng nâng tổng mức đầu tư lên thành 847.767 triệu đồng và sau đó là 1.062.114 triệu đồng cho 90% khối lượng công việc dự án đã hoàn thành.

Như vậy, việc chậm tiến độ đầu tư đã làm phát sinh tăng tối thiểu 519.434 triệu đồng, bằng 195,7% so với mức đầu tư ban đầu. Tính đến ngày 28/11/2017 (hơn 7 năm sau khi hoàn thành) dự án mới bố trí tái định cư được 479/1.939 căn hộ, đạt tỷ lệ 24,7%.

Đối với 3 dự án xây dựng chung cư thuộc Khu tái định cư 38,4 ha (phường Bình Khánh), đến thời điểm kiểm toán (10/2017) mới chỉ có dự án 1.080 căn được bàn giao cho BQL ĐTXD KĐT mới Thủ Thiêm và Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 2 (đơn vị được giao quản lý, vận hành) đưa vào sử dụng; 2 dự án còn lại (2.220 căn hộ và 1.570 căn hộ) đã trải qua thời gian 17 - 19 tháng kể từ khi các chủ đầu tư dự án hoàn thành tất cả các thủ tục hồ sơ và hiện trường đảm bảo các điều kiện đưa vào sử dụng vẫn chưa được tiếp nhận đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả vốn đầu tư.

Tại quận 9, Khu tái định cư Long Sơn, thời gian dự kiến xây dựng dự án từ 2005 - 2007. Tuy nhiên, đến năm 2009 mới được thành phố giao đất để đầu tư xây dựng và đến cuối năm 2015 mới thi công vì dự án 2 tuyến kết nối ra đường Nguyễn Xiển mới hoàn thành cơ bản hạ tầng kỹ thuật, do năm 2015 mới bố trí kế hoạch vốn và còn một số hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng. Ngoài ra, Chung cư 3A (phường Hiệp Phú) được UBND quận 9 ký hợp đồng mua 60 căn hộ hoàn chỉnh từ năm 2015 với tổng giá trị 66,8 tỷ đồng, nhưng đến nay mới bố trí được 10 căn.

Tại huyện Nhà Bè, dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu tái định cư T30 (nhằm phục vụ di dời, giản tỏa các hộ dân của Dự án Đầu tư xây dựng Trại tạm giam T30 tại xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè) được UBND Thành phố phê duyệt lần đầu ngày 17/10/2003, điều chỉnh lần 2 ngày 4/6/2007, song đến ngày 24/1/2017 mới được nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng. Việc kéo dài thời gian thực hiện dự án, đã làm tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng 285% và ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao quỹ nhà đất phục vụ công tác tái định cư.

Qua đây, KTNN kiến nghị, UBND TP. HCM chỉ đạo các sở, ban ngành và các quận, huyện trong quá trình đầu tư xây dựng hoặc mua nhà, đất để bố trí tái định cư cần đảm bảo tính đa dạng về hình thức, vị trí, diện tích sát với nhu cầu. Đồng thời, UBND Thành phố cần có quy định về hiệu lực thời gian giải quyết chính sách tái định cư, chỉ đạo các quận, huyện tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các trường hợp nền đất, căn hộ phục vụ tái định cư bị lấn chiếm, sử dụng bất hợp pháp, không đúng mục đích hoặc đã hết hạn bố trí tạm cư để xử lý theo quy định.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ mới công bố, Quyết định số 367 của Thủ tướng năm 1996 phê duyệt quy hoạch 1/5.000 KĐTM Thủ Thiêm là đúng thẩm quyền và đã có hiệu lực. Tuy nhiên, UBND TP. HCM, Bộ Xây dựng và Văn phòng Chính phủ đã có khuyết điểm khi làm chênh lệch khoảng 10 ha so với diện tích đã thẩm định; thiếu một số hồ sơ quan trọng của cả KĐTM Thủ Thiêm và khu tái định cư 160 ha. Cụ thể là không có bản đồ quy hoạch 1/5.000, chưa có ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng với 160 ha đất tái định cư.

Bùi Quyền