Trong năm 2018 của Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã xây dựng Kế hoạch triển khai công tác và nhiều văn bản chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường chủ động kiểm tra, xử lý vi phạm về thương mại điện tử. Kết quả: Tổng số vụ việc kiểm tra (Nội dung kiểm tra về hoạt động TMĐT): 120 vụ; Xử phạt vi phạm hành chính về TMĐT: 47 vụ. Tổng tiền phạt: 521.000.000 đồng và chuyển 01 vụ sang cơ quan cảnh sát điều tra để tiếp tục xử lý theo quy định.
Thời gian tới theo Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội cần tiếp tục thực hiện các giải pháp như: Nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách quản lý hoạt động giao dịch điện tử. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định quản lý hoạt động giao dịch TMĐT: Luật Giao dịch điện tử, Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15/02/2007 quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số, Nghị định số 27/2007/NĐ-CP ngày 23/02/2007 về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính… Hoạt động TMĐT ở Việt Nam phát triển nhanh và đa dạng, đồng thời cũng xuất hiện những mô hình mang danh nghĩa TMĐT thu hút đông người tham gia. Tuy nhiên, qua thời gian triển khai đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế trong việc quản lý cần có sự bổ sung phù hợp với tình hình mới.
Ngày 16/5/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về TMĐT thay thế cho Nghị định 57/2006/NĐ-CP của Chính phủ về TMĐT, theo đó Nghị định số 52/2013/NĐ-CP đã quy định cụ thể về những hành vi bị cấm trong TMĐT, quy định chặt chẽ trách nhiệm của các thương nhân cung cấp các dịch vụ bán hàng trực tuyến, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về TMĐT, từ đó tạo môi trường thuận lợi hơn cho TMĐT, nâng cao lòng tin của người tiêu dùng khi tham gia mua sắm trực tuyến.
Các văn bản chính sách trên đã phần nào đáp ứng được yêu cầu từ thực tiễn của hoạt động TMĐT ở Việt Nam.
Tuy nhiên, trước tốc độ phát triển của giao dịch TMĐT ở Việt Nam, trong thời gian tới cần nhanh chóng tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý trong Luật TMĐT, Luật Công nghệ thông tin nhằm quản lý tiến trình giao dịch trên mạng, làm cơ sở pháp lý để điều chỉnh hoạt động giao dịch TMĐT.
Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đề xuất kiến nghị đưa các hình thức kinh doanh qua mạng xã hội (facebook), sử dụng ứng dụng cho các thiết bị công nghệ di động thông minh (Zalo, Viber,…) vào quản lý như đối với website thương mại điện tử (buộc thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước); Đối với website thương mại điện tử vi phạm, cần có biện pháp buộc tổ chức, cá nhân chủ sở hữu gỡ bỏ các thông tin vi phạm hoặc kiến nghị tổ chức quản lý, cung cấp dịch vụ thu hồi vĩnh viễn tên miền, gian hàng vi phạm.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước cần nỗ lực hơn nữa trong việc triển khai thực hiện các văn bản đã ban hành. Đặc biệt, trong quá trình triển khai cần chú ý đến các hoạt động hướng dẫn, phổ biến để mọi người hiểu đúng chính sách và thực hiện tốt.
Quốc hội khóa 14 đã thông qua Luật An ninh mạng số 24/2018/QH14, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 thì công tác quản lý hoạt động việcsử dụng công nghệ thông tin, không gian mạng internet trong đó có hoạt động thương mại điện tử gắn với bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế, xã hội đòi hỏi các cơ quan bảo vệ, thực thi pháp luật trong đó có lực lượng Quản lý thị trường phải nỗ lực không ngừng để nâng cao hơn nữa cả về nghiệp vụ, kỹ năng kiểm tra, xử lý vi phạm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ từ các bộ, ban, ngành trong việc xử lý, giải quyết các vấn đề liên quan đến TMĐT. Đặc biệt, đối với việc phát hiện, kiểm tra, xử lý những người kinh doanh trên mạng xã hội thì các bộ, ban, ngành phối hợp chặt chẽ với nhau.
Các cơ quan kiểm tra, xử lý Tổng cục Quản lý thị trường cần phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, các nhà mạng và ngân hàng cùng quản lý, giám sát thông tin, số lượng, chủng loại hàng hóa, doanh thu của người kinh doanh để xác định có hay không hành vi vi phạm về hoạt động TMĐT. Phối hợp với cơ quan quản lý thuế thường xuyên thanh tra, giám sát các hoạt động này tại các ngân hàng, các điểm dịch vụ chuyển phát hàng hóa các trang điện tử mua bán trực tuyến để tránh tình trạng trốn thuế của DN.
Tăng cường công tác tổ chức tuyên truyền mạnh mẽ trên các phương tiện thông tin đại chúng về các quy định của pháp luật đối với hoạt động TMĐT để người mua hiểu được quyền và lợi ích của mình và nâng cao trách nhiểm của cơ sở kinh doanh bằng hình thức TMĐT cũng như tạo điều kiện khuyến khích các nhà cung cấp giải pháp an ninh mạng phát triển.
Tăng cường hợp tác quốc tế trên lĩnh vực an ninh mạng. Cụ thể, cần tăng cường phối hợp với cơ quan quản lý của các nước trong khu vực và trên thế giới để xây dựng khung chung đảm bảo an ninh mạng và bảo vệ hạ tầng thông tin trọng yếu; Đồng thời, hợp tác giữa các tổ chức xây dựng chuẩn quốc tế, các chính phủ liên quan tới an ninh mạng nhằm xây dựng văn hóa an ninh mạng, các tiêu chuẩn kỹ thuật, cảnh báo và phản ứng nhanh trước các sự kiện an ninh mạng.
Đẩy mạnh đào tạo và phát triển năng lực cán bộ Quản lý thị trường trong lĩnh vực TMĐT, thường xuyên bắt kịp các ứng dụng công nghệ thông tin mới phát sinh, có khả năng thu thập thông tin, xác định vi phạm trong các trang, các ứng dụng TMĐT.
PV