“Con đường mới” để buôn lậu

Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng BCĐ 389/QG cho biết:“Hiện cả nước có gần 300 DN được cấp phép hoạt động cung cấp dịch vụ bưu chính. Đối với cảng hàng không, bưu điện quốc tế như cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, bưu điện quốc tế, chuyển phát nhanh tại Hà Nội, TP. HCM, hàng hóa vi phạm thường gọn nhẹ, có giá trị kinh tế cao như vàng, ngoại tệ, sản phẩm động vật hoàng dã, mỹ phẩm, tân dược, thực phẩm chức năng, thời trang cao cấp, đồ điện tử, rượu ngoại, xì gà…”.

Hàng hóa qua đường bưu điện, hàng không: Giám sát chặt chẽ - Hình 1

Những đối tượng buôn lậu qua đường hàng không, bưu điện (gửi hoặc nhận hàng bưu phẩm, bưu kiện, quà biếu với số lượng lớn) hoạt động rất tinh vi hòng qua mặt lực lượng chức năng. Hàng hóa thường được các đối tượng ngụy trang trong một loại hàng hóa khác, đặt trong hành lý mang theo khi nhập cảnh; thuê người vận chuyển thay; lợi dụng các chính sách tạo thuận lợi trong hoạt động XNK, xuất nhập cảnh để buôn hàng cấm và hàng NK có điều kiện.

Tính đến cuối năm 2018, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 632 vụ (giảm 1,25% so cùng kỳ 2017), trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 91 tỷ 995 triệu đồng (tăng 44,06% so cùng kỳ), chủ yếu trên các địa bàn nóng như sân bay quốc tế Nội Bài, sân bay quốc tế Đà Nẵng, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Bưu điện Hà Nội, TP. HCM, điểm chuyển phát nhanh DHL, Fedex… Đáng chú ý, hàng Apple giới thiệu sản phẩm mới, các đối tượng đã buôn lậu với số lượng lớn, bị lực lượng hải quan phát hiện, thu giữ gần 1.200 điện thoại qua sân bay Nội Bài, hơn 250 điện thoại qua sân bay Tân Sơn Nhất…

Xử lý nghiêm “bảo kê” tội phạm

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Phó trưởng BCĐ389/QG đã ký ban hành Kế hoạch công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2019.

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm triển khai đồng bộ, xây dựng các kế hoạch chuyên đề trọng tâm theo lĩnh vực, mặt hàng và tuyến. Tăng cường đấu tranh với các đối tượng cầm đầu buôn lậu, hoạt động có tổ chức. Kiên quyết không để hình thành các tụ điểm tập trung hàng lậu, hàng giả; giải quyết kịp thời, dứt điểm các hiện tượng nổi cộm về sản xuất, buôn bán hàng giả.

Riêng đối với công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại qua đường hàng không, bưu điện, để đạt hiệu quả cao hơn, bên cạnh công tác tập huấn máy soi, sẽ sử dụng thiết bị kỹ thuật hiện đại nhất để kịp thời phát hiện và vô hiệu hóa các thủ đoạn cất giấu tinh vi của các đối tượng buôn lậu.

Tăng cường công tác thanh kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Theo đó, thành lập các đoàn kiểm tra của BCĐ389/QG, giao Văn phòng thường trực BCĐ389/QG, BCĐ389 bộ, ngành chức năng tiến hành kiểm tra, thu thập thông tin, đánh giá thực trạng tình hình tại các địa phương, địa bàn trọng điểm, các hiện tượng nổi cộm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kiểm tra việc chấp hành, thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch chuyên đề của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ389/QG về công tác này.

BCĐ 389 các cấp tăng cường chỉ đạo, tổ chức thanh kiểm tra công vụ các cơ quan chức năng; tại các địa phương xảy ra sự việc buôn lậu, gian lận thương mại, sẽ xác định trách nhiệm người đứng đầu, tổ chức, cá nhân, xử lý các hành vi tiêu cực, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp “bảo kê”, tiếp tay cho tội phạm…

Theo Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình: “Kiên quyết không cho phép có “vùng cấm” trong công tác này. Đặc biệt, đối với công tác phòng chống tham nhũng, phải khẩn trương xây dụng cơ chế phòng ngừa, cơ chế răn đe, trừng trị để không dám tham nhũng, kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa và chủ động phát hiện tội phạm.

Coi trọng việc rèn luyện về phẩm chất đạo đức, lối sống và làm đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, đề cao kỷ cương, kỷ luật công vụ. Không chống lưng, làm chỗ dựa cho các đối tượng buôn lậu”.

Trang Nguyễn