So với hàng nhập khẩu chính ngạch thì hàng xách tay có giá rẻ hơn. Tuy nhiên, vì là mang “mác” nhập ngoại nên giá của các sản phẩm này cũng không hề bình dân chút nào. Trung bình có giá vài trăm đến vài triệu đồng/sản phẩm. Tuy nhiên, chất lượng thì chủ yếu được đổi bằng... niềm tin với người bán.
Thật giả lẫn lộn
“Hàng xách tay” là một thuật ngữ quá quen thuộc trong việc “gian thương bán lậu”, hiện nay không chỉ còn có những cá nhân lẻ tẻ mà nó đã trở thành một nhóm tội phạm hoạt động ngày càng tinh vi, từ “hàng lậu xách tay” được kí gửi qua hàng quà tặng, hàng biếu…. để tuồn vào thị trường Việt Nam. Tại Hà Nội những cửa hàng lớn, nhiều con phố với biển hiệu “hàng xách tay Anh, Đức, Nhật, Hàn… đã trở thành một điều rất đỗi quen thuộc và cũng là những địa điểm thân quen của khách hàng…
Hàng xách tay thật giả lẫn lộn, chịu thiệt là người tiêu dùng
Lợi dụng như cầu sính ngoại của chị em, vì vậy nên có không ít khách hàng là “tín đồ” của các sản phẩm xách tay từ nước ngoài về Việt Nam. Chỉ cần seach từ khóa “hàng xách tay” tại trang công cụ google thì có khoảng 67.300.000 kết quả trong 0,53 giây. Với những lời mời gọi hết sức hấp dẫn như hàng xách tay chuẩn CHLB Đức, hàng mới liên tục mỗi tuần; Authmart - siêu thị xách tay chính hãng; Hàng xách tay US UK… khiến người tiêu dùng dễ lạc trong ma trận hàng thật hàng giả.
Liệu có đúng là hàng xách tay “xịn” hay không?
Chị Hoàng Anh (Kim Mã- Hà Nội) cho biết: “Hàng thương hiệu nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam khá là đắt so với bên kìa, chính vì vậy tôi thường xuyên mua hàng xách tay từ các nước về hơn, thường như thế sẽ rẻ được khoảng gần một nửa giá ở Việt Nam. Trước đây thì tôi hay mua quen của một người bạn, sau này có đặt hàng thử trên mạng khi ship hàng về nhìn cái tôi biết ngay không phải đồ “xịn”. Thành ra cũng cạch không dám đặt đồ linh tinh nữa tránh tình trạng mất tiền lại mua bực vào người”.
Thương hiệu thế giới với giá 270.000 được rao bán trên mạng xã hội
Thực tế là ngay cả với các mặt hàng xách tay từ nước ngoài về, không phải sản phẩm xách tay nào chất lượng cũng tốt, bởi ở nước ngoài cũng có nhà sản xuất nhỏ lẻ bên cạnh các nhà sản xuất lớn, có thương hiệu. Nhưng dù là vậy, giá bán các sản phẩm này lại được các đầu nậu nâng lên khá cao, với lý do hàng nhập về từ nước ngoài, chất lượng tốt, sản phẩm độc đáo, sản xuất có giới hạn số lượng…
Siết chặt quản lý hàng xách tay
Mặc dù đã quyết liệt quản lý những mặt hàng này vẫn được bán công khai trên thị trường, thậm chí, còn được “đội giá” và hút người mua nhờ tâm lý sính ngoại của một bộ phận người tiêu dùng. Lợi dụng tâm lý đó, gian thương càng cố tình trà trộn hàng không rõ nguồn gốc vào bày bán để thu lợi nhuận bất chính.
Nhiều năm qua, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 luôn có những kế hoạch, văn bản tăng cường chỉ đạo các sở, ban ngành tại địa phương quản lý chặt chẽ đối với hàng xách tay.
Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng địa phường cần xác lập các chuyên án để đấu tranh, triệt phá các đường dây lợi dụng chính sách đối với hàng hóa là quà biếu, quà tặng để buôn lậu hàng hóa tại các cửa khẩu sân bay quốc tế.
Các bộ, ngành khác tùy theo chức năng, nhiệm vụ cũng sẽ quản lý chặt chẽ hoạt động đưa hàng vào Việt Nam này, nhằm đảm bảo thị trường cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ người tiêu dùng.
Nếu có bất cứ thông tin về hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi qua địa chỉ: Ban 389 - Báo Thương hiệu & Công luận. Tòa Soạn: số 12 - Tập thể Bộ Tư pháp, P. Quan Hoa - Q.Cầu Giấy - Hà Nội. Hotline: 0973.269.389 - 088.966.5389 Email: chuyendong389.thcl@gmail.com
Trang Nguyễn