Theo hướng dẫn của Thông tư 40/2021/TT-BTC, Cục thuế có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc các Chi cục thuế trong việc quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm soát việc xây dựng cơ sở dữ liệu riêng tại từng Chi cục thuế để làm căn cứ xác định doanh thu và mức thuế của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán tại từng địa bàn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cục thuế có trách nhiệm xây dựng kế hoạch kiểm tra chi cục thuế, người nộp thuế trong việc thực hiện chính sách thuế và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Triển khai và báo cáo Tổng cục Thuế kết quả thực hiện kế hoạch kiểm tra chi cục thuế, người nộp thuế. Việc triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra được thực hiện cụ thể như sau:

Cục thuế có trách nhiệm triển khai công tác kiểm tra thực tế hằng năm, tối thiểu 10% số chi cục thuế theo quy định về quản lý rủi ro đối với việc xác định mức doanh thu khoán dự kiến, mức thuế khoán dự kiến. Kết quả kiểm tra của cục thuế là một trong những cơ sở để chi cục thuế lập và duyệt sổ bộ thuế hộ khoán.

Trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ thu, cục thuế có trách nhiệm định kỳ kiểm tra thực tế tối thiểu 5% số chi cục thuế mỗi quý I, quý II và quý III. Kết quả kiểm tra là căn cứ xây dựng mức doanh thu khoán dự kiến, mức thuế khoán dự kiến cho năm sau và điều chỉnh doanh thu khoán, mức thuế khoán cho thời gian còn lại của năm tính thuế.

Nội dung kiểm tra thực tế của cục thuế gồm: Kiểm tra trên cơ sở dữ liệu quản lý; đối chiếu dữ liệu đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế; kiểm tra thực tế ít nhất 2% số hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và tổ chức có liên quan trên địa bàn, trong đó tập trung kiểm tra 100% hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuộc đối tượng quản lý rủi ro cao theo quy định.

Ngọc Khánh