Đồng thời, trong tháng 7/2021, Cục triển khai, chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường (QLTT) duy trì thực hiện tốt các mặt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường theo kế hoạch, quản lý, bám sát địa bàn, tham gia phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các vi phạm hành chính theo quy định pháp luật; theo dõi tình hình cung cầu hàng hóa, giá cả thị trường, đảm bảo lưu thông hàng hóa, chống các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn ra trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, Cục QLTT thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh đảm bảo an toàn sức khỏe trong thực hiện nhiệm vụ.

Các Đội QLTT theo dõi, giám sát tình hình cung cầu, giá cả hàng hóa thiết yếu tại các siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở kinh doanh
Các Đội QLTT theo dõi, giám sát tình hình cung cầu, giá cả hàng hóa thiết yếu tại các siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở kinh doanh. Ảnh: Cục QLTT Kiên Giang

Một số nhiệm vụ trọng tâm đạt được kết quả như sau:

- Thanh tra chuyên ngành 01 vụ, kiểm tra 114 vụ; phát hiện 22 vụ vi phạm.

- Xử lý 44 vụ vi phạm hành chính (bao gồm số vụ việc kỳ trước chuyển sang); tổng trị giá hàng hóa vi phạm 32.500.000 đồng.

- Thu nộp ngân sách Nhà nước 1.951.806.000 (phạt hành chính: 1.020.000 đồng, bán hàng hóa tịch thu: 930.899.000).

- Thống kê kinh doanh: 232 cơ sở; Vận động ký cam kết: 435 bản.

- Trị giá hàng hóa tịch thu chờ bán:  131.409.000 đồng.

- Trị giá hàng hóa tịch thu chờ tiêu hủy: 30.528.010.000 đồng.

Về một số nội dung, cụ thể:       

- Hàng cấm, hàng nhập lậu: Kiểm tra, phát hiện, xử lý 13 vụ (5 vụ hàng cấm, 8 vụ hàng lậu, bao gồm số vụ kỳ trước chuyển sang), tổng số tiền xử phạt 67.500.000 đồng, tổng trị giá hàng hóa vi phạm 197.095.000 đồng; thu nộp ngân sách 726.480.000 đồng (phạt hành chính: 127.500.000 đồng; bán hàng hóa tịch thu: 598.980.000 đồng); tịch thu 2.879 bao thuốc lá điếu nhập lậu, 2.750 đvsp mỹ phẩm các loại, 10 điện thoại di động và một số hàng hóa khác.

- Hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ: Kiểm tra, xử lý 06 vụ giả mạo nhãn hiệu, 02 vụ xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, 02 vụ giả về chất lượng, công dụng; tổng số tiền xử phạt 422.850.000 đồng, tổng trị giá hàng hóa vi phạm 1.097.659.000 đồng; thu nộp ngân sách 132.509.000 đồng; tịch thu 3.280 cái đồng hồ đeo tay, 278 cái túi xách các loại.

Một số hình ảnh hàng hóa vi phạm bị thu giữ, xử lý trong tháng 7/2021
Một số hình ảnh hàng hóa vi phạm bị thu giữ, xử lý trong tháng 7/2021. Ảnh: Cục QLTT Kiên Giang

- Gian lận thương mại, vi phạm khác:                            

+ Vi phạm quy định trong kinh doanh: Phát hiện, xử lý 04 vụ, tổng số tiền xử phạt 87.000.000 đồng, tổng trị giá hàng hóa vi phạm 4.500.000 đồng; thu nộp ngân sách 49.496.000 đồng;

+ Vi phạm quy định ghi nhãn hàng hóa: Phát hiện, xử lý 10 vụ, tổng số tiền xử phạt 174.000.000 đồng, tổng trị giá hàng hóa vi phạm 1.671.778.000 đồng; thu nộp ngân sách 157.574.000 đồng;

+ Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ: Phát hiện, xử lý 04 vụ, tổng số tiền xử phạt 1.750.000 đồng, tổng trị giá hàng hóa vi phạm 309.750.000 đồng; thu nộp ngân sách 346.178.000 đồng; tịch thu 2.900kg con mực và 2.000 kg ốc len.

+ Vi phạm khác: Phát hiện, xử lý 02 vụ, tổng số tiền xử phạt 18.000.000 đồng, tổng trị giá hàng hóa vi phạm 11.494.000 đồng; thu nộp ngân sách 200.290.000 đồng;

- Vệ sinh an toàn thực phẩm: Phát hiện, xử lý 01 vụ, tổng số tiền xử phạt 25.000.000 đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 7.000.000 đồng; thu nộp ngân sách 81.941.000 đồng.

Theo Cục Quản lý thị trường Kiên Giang, trong tháng 8/2021, Cục tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường được phân công, theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng Cục Quản lý thị trường, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo 389/KG đã triển khai trong năm 2021 và trong cao điểm phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Đặc biệt, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1777/QĐ-UBND ngày 18/7/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, các Đội đảm bảo công tác ứng trực thường xuyên, chủ động nắm bắt thông tin, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến thị trường trên địa bàn phụ trách để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh trên địa bàn, ứng phó với các trường hợp khẩn cấp tại địa phương theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm về giá, đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với hàng hóa thiết yếu phục vụ ngưới dân.

Đối với công chức, người lao động trực thuộc Cục phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong quá trình công tác, tại nơi công cộng và nơi cưu trú; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý, giải quyết công việc, thực hiện nhiệm vụ.

Thuận Yến – Thùy Linh