Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang, thời gian gần đây, tình hình vận chuyển, mua bán hàng nhập lậu, hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ có chiều hướng gia tăng trên địa bàn vùng biên giới TP. Hà Tiên, huyện Giang Thành.

Để dễ dàng tránh khỏi kiểm soát của lực lượng chức năng, các đối tượng thường chia nhỏ số lượng hàng hoá và tập kết tại nhiều địa điểm khác nhau, chờ đến buổi chiều tối để vận chuyển đi tiêu thụ.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả ý kiến chỉ đạo của Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên khâu lưu thông, kịp thời ngăn chặn các hành vi vận chuyển, mua bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang kiểm tra hàng hóa vi phạm
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang kiểm tra hàng hóa vi phạm (Ảnh: Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang)

Ngày 27/8/2023, qua thông tin thu thập được, Đội Quản lý thị trường số 3 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang) đã tiến hành thẩm tra, xác minh có dấu hiệu vi phạm và tiến hành khám đồ vật tại Khu vực bãi đất trống đối diện số 10 Phù Dung, khu phố 4, phường Bình San, TP. Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.

Kết quả kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 3 phát hiện tang vật là mỹ phẩm các loại, có xuất xứ nước ngoài gồm: 108 chai sữa dưỡng thể nhãn hiệu VASELINE (loại 725ml), 324 chai lăn khử mùi NIVEA (loại 150ml), 204 chai lăn khử mùi DOVE (loại 150ml), 792 chai dầu cù là Whit Siang Pure Balm (loại 100g), tổng giá trị hàng hoá ước tính trên 50 triệu đồng.

Tại thời điểm kiểm tra tất cả hàng hoá trên không có hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp và chưa xác định được chủ sở hữu hợp pháp.

Đội Quản lý thị trường số 3 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ lô hành và tiếp tục thực hiện các bước thẩm tra, xác minh để xử lý theo quy định pháp luật.

Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang, tháng 8/2023, Cục thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, kiểm tra theo kế hoạch định kỳ đúng tiến độ, triển khai các văn bản của Trung ương, địa phương về tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm các mặt hàng nổi cộm phát sinh.

Kết quả kiểm tra, xử lý đạt được một số kết quả như sau: Kiểm tra 85 vụ, phát hiện 10 vụ vi phạm, 12 vụ đang chờ thẩm tra, xác minh; xử lý 20 vụ vi phạm hành chính (bao gồm số vụ kỳ trước chuyển sang); Thu nộp ngân sách 905.133.000 đồng (phạt hành chính: 817.633.000 đồng, bán hàng hóa tịch thu: 87.500.000 đồng); Trị giá hàng tịch thu chờ bán: 82.091.000 đồng; Trị giá hàng tịch thu chờ tiêu hủy: 84.926.000 đồng; Thống kê 219 cơ sở; Ký cam kết 282 bản; Giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu của 536 cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn toàn tỉnh; phối hợp Đoàn kiểm tra liên ngành tuyến huyện, tỉnh kiểm tra 60 vụ.

Như vậy, tính đến 8 tháng đầu năm 2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang đã kiểm tra kiểm tra 746 vụ, đạt 93% kế hoạch năm; thu nộp ngân sách 8.264.488.000 đồng; thống kê 1.683 cơ sở, đạt 84% kế hoạch năm; vận động ký cam kết 2.336 bản, đạt 86% kế hoạch năm.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang cho biết, thời gian tới, đơn vị tiếp tục tập trung giám sát các mặt hàng nổi cộm theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng Cục Quản lý thị trường, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo 389/KG như gạo, quần áo may sẵn, lợn và các sản phẩm từ lợn; đồng thời chủ động rà soát, giám sát việc mua bán, vận chuyển, lưu thông các mặt hàng phục vụ các dịp lễ, hội sắp tới.

Song song với việc giám sát, kiểm tra là tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của thương nhân trên địa bàn, chủ động đấu tranh, phòng ngừa và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. 

PV