Số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội phải tính lãi là 1.537,8 tỷ đồng
Mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp, nhưng tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn ở mức cao.
Tính đến ngày 08/01, toàn thành phố có 53.239 đơn vị chậm đóng (với 639.010 lao động), tổng số tiền chậm đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp là 4.260 tỷ đồng.
Trong đó, số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội phải tính lãi là 1.537,8 tỷ đồng. Đáng chú ý, số tiền chậm đóng từ 12 tháng trở lên là 1.814,6 tỷ đồng, chiếm 42,60% tổng số tiền chậm đóng.
Nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho biết đã chủ động báo cáo, tham mưu Thành ủy, UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai đến cấp ủy, chính quyền, sở, ban, ngành nhằm đôn đốc thu, giảm tối đa số tiền chậm đóng.
Bảo hiểm xã hội thành phố phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Thanh tra, Công an, Liên đoàn Lao động thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức thanh tra, kiểm tra tại 1.286 đơn vị theo kế hoạch, đạt 160,8%.
Qua thanh tra, kiểm tra, Bảo hiểm xã hội thành phố thu được số tiền tính đến ngày 31/12/2023 là 818,9 tỷ đồng, đạt 34,8%, trong đó có 11.791 đơn vị khắc phục hết số tiền chậm đóng, 2.406 đơn vị khắc phục một phần số tiền chậm đóng và 8.425 đơn vị chưa khắc phục.
Kiến nghị Công an thành phố Hà Nội khởi tố hình sự 07 vụ việc liên quan đến nợ, chậm đóng bảo hiểm
Để công tác thanh, kiểm tra đạt hiệu quả hơn, "chặt đứt" tư duy "ôm" tiền chây ỳ, chậm đóng bảo hiểm xã hội của một số doanh nghiệp trên địa bàn nhằm hưởng lợi từ người lao động, Bảo hiểm xã hội thành phố cho biết đã kiến nghị Công an thành phố khởi tố hình sự 07 vụ việc liên quan đến nợ, chậm đóng bảo hiểm.
Làm rõ hơn thông tin này, ông Vũ Đức Thuật, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho biết, Công an thành phố đã tiếp nhận và đang trong quá trình điều tra, xác minh, lập phương án xử lý theo quy định.
Ngoài biện pháp mạnh kể trên, cũng theo ông Vũ Đức Thuật, Bảo hiểm xã hội thành phố ngay từ đầu năm đã giao kế hoạch cho từng cán bộ chuyên quản về số thu, số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, phát triển người tham gia, hằng tuần có đánh giá kết quả thực hiện, làm căn cứ để bình xét thi đua hằng tháng, quý, năm.
Hằng tháng, Bảo hiểm xã hội thành phố phân tích, phân loại chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo loại hình doanh nghiệp, ngành nghề sản xuất kinh doanh, thời gian chậm đóng; xác định nguyên nhân, tính chất chậm đóng, có hình thức, biện pháp đôn đốc thu cụ thể, phù hợp.
Tiếp tục tổ chức thanh tra chuyên ngành các đơn vị chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội
Định kỳ ngày mùng 5 và 20 của tháng, Bảo hiểm xã hội thành phố gửi thông báo số tiền tạm tính để đơn vị chuyển tiền cho nhân viên thu nhắc nhở qua email, gọi điện thoại đôn đốc; có văn bản gửi Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất, UBND quận, huyện, thị xã, sở, ban, ngành phối hợp đôn đốc thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Định kỳ hằng tháng, UBND các quận, huyện, thị xã ban hành văn bản đôn đốc những đơn vị chậm đóng trên địa bàn, yêu cầu thực hiện theo quy định.
Bảo hiểm xã hội thành phố tiếp tục tổ chức thanh tra chuyên ngành các đơn vị chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội; xử phạt vi phạm hành chính hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định.
Theo Chinhphu.vn