THCL Trao đổi với PV, nhân dịp Kỷ niệm ngày Quyền NTD Việt Nam (15/3), ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) khẳng định: Hàng giả, hàng nhái đang là một vấn nạn, gây thiệt hại lớn đối với nền kinh tế đất nước, ảnh hưởng đến sức khỏe, niềm tin và quyền lợi NTD…
Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP)
Thực trạng hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả hiện nay vẫn diễn biến phức tạp, nhiều thủ đoạn tinh vi, khó lường. Vậy đâu là nguyên nhân, thưa ông?
Hiện nay, trên thị trường có ngành hàng nào là không bị làm giả?
Trước đây, hàng giả phần lớn chỉ diễn ra ở thành phố, nhưng hiện nay đã xuất hiện tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng núi, thậm chí cả trong các siêu thị, trung tâm triển lãm! Đây là vấn đề vô cùng nghiêm trọng.
Theo tôi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn nạn này.
Hàng giả chủ yếu được chuyển từ nước ngoài vào Việt Nam, qua các đường mòn biên giới, địa hình phức tạp, hiểm trở, khó khăn cho các lực lượng thực thi kiểm tra, kiểm soát.
Các cơ quan thực thi, đôi khi còn chưa làm hết trách nhiệm của mình, có tình trạng nể nang, chưa tạo được lòng tin cho DN và NTD.
Cơ chế phối hợp và chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm còn nhẹ. Lực lượng quản lý, kiểm tra tuy đông nhưng không mạnh, hoạt động rời rạc, thiếu sự đồng bộ; chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan lại chồng chéo. Hoạt động kiểm tra chất lượng hàng ngoại nhập trên thị trường bị xem nhẹ, chỉ sau khi có thông tin liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng mới bắt tay vào làm.
Các DN chưa sát sao trong việc xây dựng, bảo hộ thương hiệu sản phẩm; việc phối hợp với các lực lượng thực thi còn chưa chặt chẽ. Thậm chí, có DN sẵn sàng chấp nhận vi phạm để tìm kiếm lợi nhuận trái phép, nếu bị phát hiện thì sẵn sàng nộp phạt…
NTD chưa quan tâm, chú trọng đến nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, chưa ý thức được hết tác hại, hậu quả khi mua hàng giả; đôi khi cũng gián tiếp tiếp tay cho hàng giả vì loại hàng này thường có giá rẻ, hấp dẫn người mua, phù hợp với túi tiền của họ.
Vậy để đấu tranh, đẩy lùi tình trạng này, cần những giải pháp nào?
Đây là vấn đề được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các lực lượng thực thi phải cương quyết đấu tranh triệt phá cho được các đầu nậu, ổ nhóm lớn.
Cuộc đấu tranh đối với vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là công việc của toàn xã hội.
Các cơ quan thực thi cần nâng cao trách nhiệm, cần tạo lòng tin cho DN và NTD, đấu tranh thường xuyên, liên tục, triệt phá các đường dây, ổ nhóm lớn về buôn lậu, hàng giả để từng bước đẩy lùi tình trạng này.
Vai trò tham gia của DN - chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ trong thực thi là rất quan trọng. Luật Sở hữu trí tuệ cũng quy định, đây không chỉ là quyền, mà còn là trách nhiệm của các DN trong công tác phối hợp với các cơ quan thực thi pháp luật. DN không nên coi việc chống hàng giả là của các cơ quan thực thi pháp luật. Khi bị xâm phạm nhãn hiệu, chủ sở hữu cần chủ động gửi đơn khiếu nại hoặc thông qua văn phòng luật sư để khiếu nại lên Cục Sở hữu trí tuệ.
Đối với NTD, cần nâng cao tinh thần cảnh giác khi mua hàng và phải nhận thức rõ nhiệm vụ của mình trong việc chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Mua hàng đúng nguồn gốc xuất xứ. Việc này, không chỉ là bảo vệ quyền lợi của mình, mà còn chống lại hành vi phá hoại sản xuất, kìm hãm sự phát triển nền kinh tế đất nước.
Chúng ta cần phải thiết lập một cầu nối giữa DN sản xuất và NTD. Theo đó, nhà sản xuất cần thông báo đến NTD nhằm phân biệt hàng thật của mình với hàng giả và có chế độ khen thưởng kịp thời cho những NTD phát hiện ra hàng nhái, hàng giả.
Cần đẩy mạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, cơ quan có liên quan với bộ phận QLTT, đồng thời tăng cường số lượng và chất lượng cán bộ đủ năng lực, trình độ, tăng cường các phương tiện cần thiết cho việc giám định, kiểm tra để xử lý kịp thời, chính xác các hành vi vi phạm. Cần hoàn thiện các quy định, chế tài xử lý sao cho đủ mạnh, có sức răn đe đối với các hành vi vi phạm.
NTD cần phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình khi mua phải hàng giả?
Luật Bảo vệ quyền lợi NTD cũng đã quy định rõ 8 quyền của NTD được bảo vệ khi giao dịch, mua hàng hóa. Vì vậy, NTD cần biết và vận dụng khi cần thiết.
1. Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.
2. Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà NTD đã mua, sử dụng.
3. Lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thỏa thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
4. Góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa NTD và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
5. Tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD.
6. Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.
7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
8. Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.
Vai trò, trách nhiệm của các cơ quan truyền thông, báo chí trong vấn đề này ra sao?
Các cơ quan truyền thông, báo chí đã làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác tuyên truyền, phản ánh các góc cạnh của đời sống xã hội. Trong mặt trận đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm SHTT, thời gian qua, các cơ quan báo chí phanh phui, phản ánh nhiều đường dây, ổ nhóm buôn lậu, làm hàng giả, điều này đã giúp các cơ quan thực thi có được nguồn thông tin hữu ích, từ đó có giải pháp đấu tranh, ngăn chặn, xử lý kịp thời những vi phạm.
Mong rằng, các cơ quan báo chí tiếp tục thực hiện tốt vai trò của mình. Phát hiện, phanh phui những ổ nhóm, đường dây buôn lậu, làm hàng giả để giúp cơ quan chức năng đấu tranh, ngăn chặn, xử lý những vi phạm này, bảo vệ các DN làm ăn chân chính và bảo đảm quyền lợi NTD.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Kiên (Thực hiện)