Trao đổi với phóng viên Thương hiệu và Công luận, ông Võ Mai Hưng, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định cho biết: Mặc dù đã “hạ nhiệt”, song dư âm của đại dịch Covid-19 phần nào đó vẫn tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, các DN còn phải chịu ảnh hưởng của cuộc chiến xung đột giữa Nga và Ucraina và những “rào cản thương mại” do các nước nhập khẩu áp đặt. Bên cạnh đó, tình hình lạm phát ở nhiều quốc gia nên thị trường tiêu thụ chậm, đơn hàng tiếp tục giảm mạnh vào những tháng cuối năm 2022. Một số doanh nghiệp nhỏ không nhận được đơn hàng mới đã tạm ngừng sản xuất, giá xuất khẩu bị ép mạnh. Ngoài ra, chi phí dịch vụ logictics tăng cao, giá các nguyên liệu đầu vào nói chung tăng cao, gia tăng áp lực cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Đáng lưu y, do nhu cầu sản xuất dăm gỗ và viên nén tăng của các nước Châu Âu, dẫn đến giá thu mua tăng cao (trên 30%) nên các chủ rừng có xu hướng chặt rừng non, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu gỗ cho chế biến các loại sản phẩm gỗ…

Trước tình hình trên, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định, Sở Công Thương Bình Định phối hợp cùng các sở, ngành chức năng và các DN trên địa bàn tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, củng cố, sắp xếp lại tổ chức, dây chuyền sản xuất, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm theo các chuẩn mực quốc tế. Bên cạnh đó, các DN đã tích cực gìn giữ mối quan hệ với các đối tác, bạn hàng truyền thống và chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường mới…

Với những giải pháp trên, hoạt động sản xuất kinh donh, xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định đã từng bước hồi phục ổn định, phát triển và đạt được những kết quả khả quan.

Theo ông Võ Mai Hưng, 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn tỉnh Bình Định đạt 1.332,3 triệu USD, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2021. Trong số này, những mặt hàng đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu cao là: Hàng thủy sản (đạt gần 141 triệu USD, tăng gần 73%); Sản phẩm từ sắn, chủ yếu là tinh bột (đạt 51,4 triệu USD, tăng 139%); Hàng dệt may (đạt 235,6 triệu USD, tăng gần 62%); Mặt hàng gỗ (đạt gần 262 triệu USD, tăng gần 46%); Sản phẩm gỗ (đạt 404,5 triệu USD, tăng 1,4%) so với cùng kỳ năm 2021…

Thuỷ sản là một trong những mặt hàng của Bình Định đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu cao. Trong ảnh: Một góc phân xưởng chế biến thuỷ sản của Công ty CP Thuỷ sản Bình Định.
Thuỷ sản là một trong những mặt hàng của Bình Định đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu cao. Trong ảnh: Một góc phân xưởng chế biến thuỷ sản của Công ty CP Thuỷ sản Bình Định. Ảnh V.H.

Cũng theo ông Võ Mai Hưng, các mặt hàng của Bình Định được xuất khẩu đến 104 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc 5 châu lục. Trong đó, Châu Á đạt 467,4 triệu USD, chiếm 35,2%; Châu Âu đạt 293,8 triệu USD, chiếm 22,1%; Châu Mỹ đạt 514,1 triệu USD, chiếm 38,8%... Chia theo quốc gia, Trung Quốc đạt 179,8 triệu USD, chiếm 13,6%; Nhật Bản đạt 176,7 triệu USD, chiếm 5,7%; Đức đạt 76,2 triệu USD, chiếm 5,7%; Anh đạt 46,3 triệu USD, chiếm 3,5%; Pháp ước đạt 32,3 triệu USD, chiếm 2,4%...

Viết Hiền