Ngoài những người bán hàng có tâm, vẫn có rất nhiều kiểu kinh doanh chụp giật, "treo đầu dê, bán thịt chó". Anh N.K.L, nhân viên văn phòng tại TP. HCM cho biết, cuối tháng trước anh "chốt đơn" bộ dao 4 món chất liệu thép không gỉ, giá giảm 50% khi mua trong buổi livestream trên Facebook, chỉ còn 180.000 đồng.
Háo hức vì nghĩ đã săn được món hàng giá hời nhưng anh L. nhanh chóng thất vọng vì chỉ sau 3 lần sử dụng, bộ dao đã thành phế liệu. "Lần đầu dùng rất ổn nhưng sau 3 lần sử dụng, bộ dao dường như không dùng được nữa, thậm chí có đem mài cũng không cắt được gì" - anh L. ngán ngẩm.
Chị H.Y - sống ở TP Thủ Đức, TP. HCM, mua một nồi hâm nóng thức ăn tiện lợi trên livestream TikTok với giá "sale sập sàn", từ 300.000 đồng/nồi giảm còn 120.000 đồng/nồi. Người bán cam kết sử dụng bền và hiệu quả, bảo hành nếu hư hỏng trong vòng 10 ngày kể từ khi nhận hàng. Giá sốc chỉ được áp dụng trong vòng 1 giờ. Nghe vậy, chị Y. đã nhanh tay chọn mua. Không ngờ, chị sử dụng chưa được bao lâu đã trục trặc. "Mua hàng trên mạng xã hội thật sự không biết tin ai, ai cũng cam kết hàng chính hãng 100% nhưng sử dụng mới vài lần, nồi hâm đã trục trặc. Tôi không nghĩ nó nhanh hỏng đến vậy, có gửi bảo hành cũng mất thời gian nên chọn phương án vứt đi cho rồi" - chị Y. than phiền.
Trước việc bị lừa, nhiều người mua hàng dần mất niềm tin và không dám xuống tiền nữa, vì sợ mua phải hàng kém chất lượng.
Chuyên gia thương mại điện tử, thạc sỹ Đỗ Quang Huy cho hay sự bát nháo của bán hàng online tại Việt Nam ngoài việc đây là kênh bán hàng mới, cần có thời gian để hoàn thiện thì vấn đề lớn là cạnh tranh giá rẻ. "Người tiêu dùng Việt Nam nghiện khuyến mãi, còn nhà bán đa số dùng chiêu "đạp giá" để cạnh tranh nên rất kém bền vững. Nhiều cá nhân tham gia bán hàng online nhưng chưa hiểu về luật, chưa biết tính toán chi phí khi kinh doanh nên nhiều khi bán lỗ mà không biết. Nhiều người có tư duy "đánh quả" chứ chưa đầu tư cho hoạt động kinh doanh bền vững", ông Huy nhận xét.
Cũng theo ông Huy, hiện các sàn thương mại điện tử đang thanh lọc các nhà bán, thay đổi chính sách liên tục, đặc biệt là tăng phí khiến nhiều nhà bán phải rời sàn vì ban đầu đặt biên độ lợi nhuận quá mỏng. Dù vậy, ông Huy cho rằng dư địa phát triển của thương mại điện tử Việt Nam còn rất lớn khi mới chiếm 8% tổng thương mại bán lẻ trong khi Trung Quốc là hơn 50%.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động về việc kiểm soát tính hợp pháp của hàng hóa bán trên Facebook như thế nào, Meta (chủ quản Facebook) cho biết các sản phẩm được rao bán trên các nền tảng của Meta phải tuân thủ chính sách thương mại, tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook. Theo chính sách thương mại của Meta, có 27 nội dung bị cấm như: sản phẩm người lớn, đồ uống có cồn, thực phẩm bổ sung, mỹ phẩm đã qua sử dụng, vũ khí… Đồng thời, người mua và người bán cũng có trách nhiệm tuân thủ tất cả quy định hiện hành.
"Những trường hợp không tuân thủ chính sách của chúng tôi có thể dẫn đến nhiều hậu quả khác nhau, bao gồm (nhưng không giới hạn) hình thức xử phạt như: Xóa bài đăng vi phạm và những nội dung liên quan, từ chối gắn thẻ giá trị sản phẩm hoặc đình chỉ hay chấm dứt quyền truy cập bất kỳ hoặc tất cả tính năng thương mại của Facebook.
Nếu người bán liên tục đăng nội dung vi phạm chính sách, chúng tôi có thể thực hiện thêm các hành động giới hạn đối với tài khoản của họ. Chúng tôi có quyền từ chối, phê duyệt hoặc xóa bất kỳ bài đăng bán hàng nào vì bất kỳ lý do gì vào bất kỳ lúc nào theo quyết định riêng của chúng tôi" - đại diện Meta trả lời qua email.
Tương tự, các sàn thương mại điện tử cũng cho biết đang thắt chặt hơn quy trình kiểm duyệt, kiểm soát sản phẩm. Bà Đinh Thị Tường Vy, quản lý sàn giao dịch Tiki, cho biết hiện tại, Tiki yêu cầu cung cấp các giấy tờ chứng minh chất lượng và nhãn hiệu đối với những sản phẩm đăng bán.
"Về quy trình kiểm duyệt và rà soát, Tiki giám sát chặt chẽ việc kiểm duyệt và cung cấp chứng từ của nhà bán; đồng thời áp dụng các ứng dụng công nghệ để nhanh chóng phát hiện những sản phẩm nghi ngờ, từ đó tiến hành kiểm tra và kịp thời gỡ bỏ các sản phẩm kém chất lượng. Tiki còn có bộ phận điều tra chất lượng để rà soát sản phẩm hằng ngày và mua trực tiếp sản phẩm nghi ngờ về chất lượng để kiểm chứng thực tế. Bằng các phương thức kể trên, Tiki luôn cố gắng bảo đảm chất lượng sản phẩm cũng như quyền lợi của người tiêu dùng và các nhà bán hàng chân chính", bà Tường Vy cho biết.
Cũng theo bà Tường Vy, Tiki sẽ hoàn tiền 111% giá trị sản phẩm cho người tiêu dùng nếu phát hiện sản phẩm mua trên Tiki là hàng giả/nhái. Người tiêu dùng cần cung cấp được hình ảnh sản phẩm, hình ảnh thấy được chi tiết dấu hiệu giả, nhái, hóa đơn mua hàng để Tiki kiểm tra, thẩm định và xử lý.
Hà Trần (t/h)