Kinh tế Anh thiệt hại 1,4 tỷ USD một ngày vì siêu bão tuyết - Hình 1

Giao thông tại Anh tê liệt vì bão tuyết - Ảnh: The Guardian

Không khí lạnh của bão "Quái vật từ Phương đông" tràn vào từ Siberia kết hợp với cơn bão tuyết Emma cuối tuần trước khiến giao thông tại Anh tê liệt, hàng loạt tuyến đường sắt, hàng không phải dừng hoạt động, các nhà hàng không hoạt động, công trình ngừng thi công…. Theo tờ The Guardian, ước tính kinh tế nước này thiệt hại ít nhất 1 tỷ Bảng (khoảng 1,4 tỷ USD) mỗi ngày và dự báo mất một nửa tăng trưởng GDP trong quý đầu năm 2018.

Theo các nhà phân tích, nước Anh đang trải qua sự kiện thời tiết cực đoan gây ra thiệt hại về kinh tế nặng nề nhất kể từ năm 2010 - khi mà không khí băng giá và bão tuyết khiến kinh tế nước này "đóng băng" một tuần trước Giáng sinh.

Chịu ảnh hưởng lớn nhất là ngành xây dựng với thiệt hại lên tới 2 tỷ Bảng trong 3 ngày tồi tệ nhất khi nhiệt độ xuống dưới 0 khiến công nhân không thể làm việc.

Mạng lưới giao thông và bán lẻ ước tính cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các tuyến đường bị tê liệt khiến nhiều chuyến tàu bị huỷ và băng tuyết trên cao tốc khiến mọi hoạt động bị ngưng trệ.

Các nhà kinh tế cho rằng tăng GDP của Anh có thể sẽ giảm xuống 0,2% trong quý đầu năm, chỉ bằng một nửa so với dự báo 0,4%.

Năm 2010, không khí băng giá và tuyết tràn vào Anh trước Giáng sinh được coi là một trong những sự kiện tồi tệ nhất trong lịch sử nước này, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tăng trưởng kinh tế. Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia (ONS), sự kiện này khiến tăng trưởng GDP của nước này mất 0,5%.

Kinh tế Anh thiệt hại 1,4 tỷ USD một ngày vì siêu bão tuyết - Hình 2

Tuyết rơi dày gấp đôi so với kỷ lục 18cm năm 1996 tại sân bay Glasgow - Ảnh: The Guardian

Tuần trước, đại diện sân bay Glasgow cho biết tuyết rơi tại đây đã dày gấp đôi mức kỷ lục 18cm vào năm 1996 và cho biết hơn 25.000 hành khách bị ảnh hưởng do chuyến bay bị hoãn hoặc huỷ mỗi ngày.

Trong khi đó, nhà cung cấp điện và gas National Grid cho biết giá gas bán buôn đã lên mức cao nhất trong hơn 2 thập kỷ qua, dù chưa thấy sự tăng đột biến trong hoá đơn sử dụng năng lượng của khách hàng.

Theo VnEconomy