THCL Những biến động của thị trường chứng khoán và ngoại hối Trung Quốc đầu năm 2016 không phải trường hợp cá biệt, ngoài dự đoán nằm trong xu hướng vận động của cả nền kinh tế Trung Quốc đã diễn ra từ giữa năm 2015 đến nay và sẽ có tiếp tục trong thời gian tới. Điều này đặt ra đòi hỏi Việt Nam phải hết sức cẩn trọng để tránh bị ảnh hưởng tiêu cực.

Những diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam

Kinh tế Trung Quốc đang xuống dốc

Trước những diễn biến khó lường của kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là thị trường chứng khoán, ngoại hối, Trung tâm Nghiên cứu Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) đã xây dựng một nghiên cứu đánh giá về tác động đến Việt Nam.

Theo các chuyên gia của BIDV, những biến động trên thị trường chứng khoán và ngoại hối Trung Quốc thời gian qua mà sâu xa là vấn đề tăng trưởng nền kinh tế Trung Quốc giảm sút có tác động cả về mặt trực tiếp lẫn gián tiếp và cả tích cực lẫn tiêu cực đối với nền kinh tế Việt Nam.

Điểm tích cực, hiện nay Trung Quốc đang đóng góp tỷ trọng rất lớn trong cầu thị trường hàng hóa trên thế giới. Do đó, khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp hơn dẫn đến cầu hàng hóa trên thế giới sẽ giảm, từ đó tạo điều kiện giảm chi phí đầu vào sản xuất của Việt Nam. Bên cạnh đó, những biến động trên thị trường chứng khoán và ngoại tệ Trung Quốc hiện nay có thể dẫn đến sự chuyển đổi danh mục đầu tư của các nhà đầu tư Trung Quốc và các nhà đầu tư quốc tế trên thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Theo đó, một phần dòng vốn đầu tư tại thị trường chứng khoán Trung Quốc có thể chuyển hướng sang các thị trường chứng khoán khác, trong đó có Việt Nam nhằm tìm kiếm một thị trường thay thế khác an toàn hơn và cũng có tiềm năng tăng trưởng tương đối tốt. Ngoài ra, theo nhận định của IMF, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại nhưng đi kèm với tái cơ cấu sẽ giúp gia tăng tính bền vững và chất lượng của tăng trưởng. Điều này sẽ tác động tích cực tới việc kiểm soát lạm phát ở những nước có NK lớn từ Trung Quốc như Việt Nam.

Ở điểm tiêu cực, trung tâm nghiên cứu của BIDV cho rằng kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại trước hết có thể tác động đến thương mại Việt Nam – Trung Quốc theo hướng giảm XK của Việt Nam trong khi tăng NK từ Trung Quốc.

Xét về chiều XK của Việt Nam sang Trung Quốc, hiện nay Trung Quốc là thị trường XK lớn thứ 4 của Việt Nam. Khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại sẽ tác động đến cầu tiêu dùng của nước này, và từ đó nhu cầu NK của Trung Quốc từ Việt Nam có thể giảm. Trong đó đặc biệt là nhu cầu NK dầu thô từ Việt Nam giảm sút có thể ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách quốc gia. Ngoài ra, trong khi tổng cầu suy yếu thì năng lực sản xuất của Trung Quốc đã và đang tiếp tục dư thừa, do đó Trung Quốc sẽ tìm cách để bảo hộ thị trường nội địa trước hàng NK trong đó có hàng nhập từ Việt Nam.

Theo mô hình tính toán của CIEM cho thấy Việt Nam phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc thấp hơn mức trung bình của ASEAN, tuy nhiên từ 2008 trở lại đây, mức độ phụ thuộc có xu hướng đi lên. Đặc biệt, Việt Nam hầu như không điều chỉnh được nhiều về chỉ số phụ thuộc XK trước những rủi ro địa chính trị khu vực đang xảy ra, khác với Philippines vốn cũng đang có những tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc.

Những kịch bản tác động

Trung tâm nghiên cứu của BIDV xây dựng hai kịch bản về tác động của kinh tế Trung Quốc đến Việt Nam trong năm 2016.

Kịch bản 1, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, Nhân dân tệ giảm giá tối đa 5% so với USD.

Khi đó, tăng trưởng của Việt Nam đạt 6,8%, lạm phát 2,5 - 3%, nhập siêu dự kiến khoảng 6 tỷ USD. Thị trường ngoại hối có thể diễn biến khá ổn định, tỷ giá USD/VNĐ tăng thêm khoảng 4%, dao động trong khoảng 22.500 - 23.400 đồng/USD.

Kịch bản 2, kinh tế Trung Quốc suy giảm nhanh, Nhân dân tệ giảm giá nhanh tới 7 - 8% so với USD.

Khi đó, tăng trưởng của Việt Nam chỉ còn 6,5%, lạm phát rất thấp 1 - 1,5%. Nhập siêu nới rộng, đặc biệt là từ Trung Quốc, có thể lên đến 8 - 9 tỷ USD. XK gặp khó khăn, hàng hóa XK sang Trung Quốc chịu tình trạng ép giá. Thị trường ngoại hối sẽ thường xuyên diễn biến căng thẳng, tỷ giá USD/VNĐ có thể tăng mạnh khoảng 6%.

Chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực cho rằng: Trong xu thế các đồng tiền như Yên (Nhật), Rúp (Nga) tiếp tục mất giá 3 - 5%, đặc biệt NDT của Trung Quốc mất giá 7% so với USD đang tạo ra áp lực lên chính sách tỷ giá. Bên cạnh đó những diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Đáng lưu ý, nền kinh tế Trung Quốc năm 2015 đã giảm tốc khi chỉ tăng trưởng khoảng 6,7 - 6,8%, năm 2016 dự báo giảm xuống 6,3%. Nếu Trung Quốc giảm 1% tăng trưởng, kinh tế Việt Nam sẽ giảm 0,2% tăng trưởng.

Trong báo cáo triển vọng 2016, Công ty CP Chứng khoán Vietcombank cũng liên tục lưu ý đến yếu tố kinh tế Trung Quốc suy giảm tác động đến kinh tế Việt Nam.

Dẫn một loạt các chỉ số cho thấy lĩnh vực sản xuất của Việt Nam suy giảm trong những tháng cuối năm 2015, VCBS cho rằng: Tác động tiêu cực từ sự giảm tốc của kinh tế lớn thứ hai thế giới đang bộc lộ ngày một rõ nét lên nền kinh tế Việt Nam.

Ông Lê Quốc Phương, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại đánh giá: Kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, thể hiện qua con số nhập siêu không ngừng tăng qua các năm, từ khoảng 200 triệu USD năm 2001 lên đến 28,9 tỷ USD vào năm 2014, tăng 144 lần. Hàng hóa NK từ Trung Quốc trực tiếp phục vụ cho hoạt động sản xuất hàng ngày của các DN, chỉ 20% là hàng tiêu dùng. Điều này tác động lâu dài đến khả năng nâng cấp công nghệ của DN bản địa, có khả năng Việt Nam rơi vào hiệu ứng “giải công nghiệp hóa” sớm khi chỉ XK được sang Trung Quốc các hàng hóa dựa vào tài nguyên và NK hàng công nghiệp chế tạo thành phẩm. Về lâu dài, sẽ làm suy giảm năng suất của Việt Nam dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Tác động tiêu cực là rõ, song trong bài nghiên cứu về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương – CIEM nhận xét Việt Nam chưa có nhiều biện pháp điều chỉnh mức độ phụ thuộc vào Trung Quốc. Theo vị chuyên gia này, Việt Nam đang giữ vị trí cao nhất trong số các đối tác lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và khu vực Đông Nam Á (ASEAN) về mức độ phụ thuộc NK từ Trung Quốc. Sự gia tăng sự phụ thuộc NK tạo nên rào cản lớn đối với DN Việt Nam khi đa dạng hóa thị trường và tận dụng các ưu đãi từ quá trình hội nhập.

Bùi Quyền