Nhận lời mời của Thủ tướng Liên bang Đức Olaf Scholz, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Hamburg về phát triển bền vững (HSC) và tiến hành một số hoạt động song phương tại Đức từ ngày 7-10/10/2024.
Thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững
Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại CHLB Đức Vũ Quang Minh đã trả lời báo chí xung quanh chuyến công tác của Phó Thủ tướng.
Xin Đại sứ cho biết những nét chính về Hội nghị HSC sẽ được tổ chức tại thành phố cảng Hamburg trong hai ngày 7 và 8/10?
Đại sứ Vũ Quang Minh: Hội nghị HSC là sáng kiến của Thủ tướng Liên bang Đức Olaf Scholz. Tại Hội nghị Thượng đỉnh về các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) năm 2023, Thủ tướng Olaf Scholz đã bày tỏ những quan ngại về việc thế giới đang chậm tiến độ trong thực hiện các SDG và đề xuất tăng cường hỗ trợ tài chính, trong đó có tái thiết hệ thống tài chính thế giới, và thúc đẩy thương mại, bao gồm tăng cường hợp tác với khu vực tư nhân.
Để thúc đẩy việc thực hiện các SDG, Thủ tướng Olaf Scholz đã mời lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế khu vực, doanh nghiệp và các bên liên quan tham dự Hội nghị HSC. Hội nghị này sẽ được đồng tổ chức bởi Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Đức (BMZ), Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), thành phố Hamburg và Quỹ Michael Otto.
Hội nghị Hamburg thu hút sự tham gia dự của hơn 100 đoàn đại biểu từ nhiều nước trên thế giới, gồm cả các nước phát triển và đang phát triển, các tổ chức quốc tế, các quỹ lớn.
Mục tiêu của hội nghị là nhằm thúc đẩy đối thoại và quan hệ đối tác liên ngành, liên lĩnh vực mới giữa chính phủ các nước, doanh nghiệp, học giả và các bên liên quan; đề xuất các biện pháp đẩy nhanh việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có việc huy động hiệu quả các khoản đầu tư, tài chính cần thiết; triển khai các văn kiện của Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai vừa được tổ chức vào tháng 9/2024.
Tại hội nghị, các nước dự kiến sẽ thông qua 3 văn kiện gồm: Văn kiện vì tương lai, Văn kiện số toàn cầu và Tuyên bố về các thế hệ tương lai, với nội dung toàn diện, đề ra những hành động, mục tiêu tham vọng trên tất cả lĩnh vực hợp tác của LHQ, với một số ưu tiên lớn như tăng cường nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ SDG, thiết lập các khuôn khổ mang tính nền tảng cho hợp tác số và đổi mới sáng tạo, cải tổ các thể chế quốc tế.
Việt Nam sẽ tích cực cùng các nước, các đối tác quốc tế đề ra hướng hành động vì các mục tiêu phát triển bền vững
Xin Đại sứ chia sẻ về mục đích và ý nghĩa của chuyến công tác tham dự Hội nghị HSC của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam?
Đại sứ Vũ Quang Minh: HSC diễn ra trong bối cảnh thế giới đã đi được hơn một nửa chặng đường trong việc thực hiện các SDG do LHQ đưa ra từ năm 2015 với thời hạn là năm 2030.
Tuy nhiên, theo báo cáo của LHQ thì đến nay có rất nhiều chỉ tiêu chậm tiến độ và có thể sẽ không đạt được.
Chính vì vậy, tại Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai từ 22-23/9 vừa qua tại New York, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã cùng với lãnh đạo cấp cao của các nước đồng thuận thông qua các văn kiện hết sức quan trọng với nội dung rất toàn diện, đề ra những hành động, mục tiêu tham vọng trên tất cả lĩnh vực hợp tác của LHQ, trong đó có tăng cường nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các SDG, cải tổ các thể chế quốc tế…
Có thể nói Hội nghị HSC là một trong những hội nghị đa phương, nhiều bên đầu tiên sau Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, nên đây sẽ là dịp để các nước, các bên liên quan cùng nhau thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy các SDG.
Chúng ta đến dự hội nghị lần này trong bối cảnh đất nước đạt được nhiều thành tựu to lớn về mọi mặt, nhất là về phát triển kinh tế và quan hệ đối ngoại. Hiện nay, Việt Nam là một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, một trong 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất, là điểm đến đầu tư của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới.
Chúng ta có quan hệ Đối tác Chiến lược và Đối tác Toàn diện với 31 nước trên thế giới, trong đó có tất cả năm uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an.
LHQ luôn coi Việt Nam là điển hình trong việc đi đầu thực hiện các ưu tiên lớn của LHQ như thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, SDG, tham gia gìn giữ hoà bình, hỗ trợ nhân đạo, có cam kết mạnh mẽ và nghiêm túc thực hiện trên nhiều lĩnh vực, trong đó có ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi phát triển bền vững là ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia nhằm thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 vì phát triển bền vững cùng nhiều văn bản pháp lý khác và đã đạt được nhiều thành tựu trong triển khai SDG trong những năm qua.
Chuyến công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII về độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế một cách toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; Nghị quyết 34 của Bộ Chính trị về một số định hướng lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII và Chỉ thị 25 của Ban bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.
Chuyến đi cũng khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn củng cố, thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược với Đức tiếp tục đi vào chiều sâu và hiệu quả, nhất là trong các lĩnh vực hợp tác truyền thống, như chính trị, thương mại, đầu tư…, đồng thời mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới giầu tiềm năng như chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số, hợp tác lao động…
Là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, đoàn đại biểu Việt Nam sẽ tích cực tham gia thảo luận, đóng góp tại hội nghị nhằm cùng các nước, các đối tác quốc tế đề ra hướng hành động vì các mục tiêu phát triển bền vững.
Đồng thời đây cũng là dịp để chúng ta vận động các nước, các tổ chức, quỹ quốc tế hợp tác, hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện các mục tiêu lớn đề chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc sẽ có bài phát biểu tại phiên thảo luận về tái cơ cấu hệ thống kinh tế vì tương lai bền vững tại HSC
Ngoài việc tham dự HSC, Đoàn đại biểu Việt Nam sẽ có những hoạt động nào đáng chú ý tại CHLB Đức?
Đại sứ Vũ Quang Minh: Trong khuôn khổ chuyến công tác ngắn ngày này, Đoàn đại biểu Việt Nam có một chương trình hoạt động khá dày và đa dạng.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc sẽ có bài phát biểu tại phiên thảo luận về tái cơ cấu hệ thống kinh tế vì tương lai bền vững tại HSC; dự kiến gặp Tổng thống Namibia, Nangolo Mbumba; gặp Thủ hiến Hamburg, Dr. Peter Tschentscher.
Tại Hamburg, Đoàn đại biểu Việt Nam cũng sẽ thăm nhà máy của tập đoàn chế tạo máy bay Airbus; gặp Bộ trưởng Bộ Hợp tác Phát triển Kinh tế Đức, Svenja Schulze; gặp Giám đốc điều hành Quỹ Khí hậu xanh, Mafalda Duarte; làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp Đức châu Á-Thái Bình Dương (OAV); làm việc với Quỹ Quốc tế về Phát triển Nông nghiệp (IFAD).
Tại Berlin, đoàn sẽ gặp Bộ trưởng Tài chính Đức, Christian Lindner; gặp gỡ nhóm Nghị sĩ Đức-ASEAN; tiếp Chủ tịch Hội Đức Việt, nguyên Đại sứ Đức tại Việt Nam, Rolf Schulze; tổ chức lễ trao Huân chương Hữu nghị cho nguyên Đại sứ Đức tại Việt Nam, Guido Hildner; gặp gỡ cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức; dự lễ ra mắt chính thức Liên hiệp Hội người Việt Nam tại CHLB Đức và lễ trao số tiền quyên góp trên 150.000 euro (gần 4,1 tỷ đồng) trong tổng số tiền 200.000 euro quyên góp được trong cộng đồng Việt Nam tại Đức, cho đồng bào bị bão lụt ở Việt Nam.
Quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Đức thời gian qua phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực
Ông đánh giá như thế nào về những tiến triển trong quan hệ song phương Việt Nam-CHLB Đức trong thời gian gần đây?
Đại sứ Vũ Quang Minh: Chuyến công tác của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Đức thời gian qua phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực.
Năm 2025, hai nước sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Về chính trị, hai bên duy trì thường xuyên các hoạt động trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, nổi bật gần đây là các chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Olaf Scholz tháng 11/2022 và Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier tháng 1/2024.
Hai nước triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương như Đối thoại chiến lược, Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, Ủy ban hỗn hợp về khoa học-công nghệ, Tham vấn chính phủ về hợp tác phát triển, Đối thoại về Nhà nước pháp quyền; phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương như LHQ, ASEAN, EU.
Đức duy trì là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU và Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức tại Đông Nam Á. Kim ngạch thương mại song phương cả năm 2023 đạt trên 11 tỷ USD tính theo số liệu của Việt Nam và 17.12 tỷ USD theo số liệu của Cơ quan Thống kê Liên bang Đức - Destatis (tính đến hết tháng 11/2023).
Tính đến tháng 6/2024, Đức có tổng số 472 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký còn hiệu lực 2,76 tỷ USD.
Trong đó, các dự án trong ngành chế biến chế tạo chiếm gần 60%; nhóm ngành sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa chiếm 22,7%; nhóm ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy chiếm 9,3% tính theo tổng vốn đầu tư.
Đầu tư của Đức vào Việt Nam trải rộng trên 37 tỉnh và thành phố trên cả nước. Các dự án có số vốn lớn nhất tập trung ở các tỉnh phía Nam, trong đó Đồng Nai với 385,5 triệu USD (14 dự án), TPHCM với 378 triệu USD nhưng với số dự án lớn nhất (243 dự án), Quảng Ngãi chỉ có hai dự án nhưng với số vốn lên tới 263,4 triệu USD.
Trong cùng kỳ, các doanh nghiệp Việt Nam có 41 dự án đầu tư sang Đức với tổng số vốn đăng ký 292,3 triệu USD, trong lĩnh vực ngân hàng, chế biến khoáng sản, mua bán, xuất nhập khẩu thiết bị, linh kiện, vật tư phụ tùng ô tô, xe máy và các hàng hóa liên quan, cũng như xuất nhập khẩu hàng tiêu dùng, hàng thủ công mỹ nghệ...
Trên cơ sở Thoả thuận hợp tác quốc phòng song phương ký năm 2022, năm 2024, Bộ Quốc phòng hai nước cũng triển khai được nhiều nội dung mới, trong đó đáng chú ý là việc Bộ Tư lệnh tác chiến quân y và Bệnh viện Trung ương Quân đội Đức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Bệnh viện Trung ương Quân đội Việt Nam 108.
Đây là quan hệ đối tác đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á của Bệnh viện Trung ương Quân đội Đức; thiết lập quan hệ đối tác giữa Ủy ban Cứu hộ cứu nạn (Cục cứu hộ cứu nạn - Bộ Tổng tham mưu Bộ Quốc phòng Việt Nam) với Bộ Tư lệnh lãnh thổ của Đức để trao đổi hợp tác trong đối phó với rủi ro an ninh phi truyền thống.
Hợp tác khoa học-công nghệ giữa Việt Nam và Đức cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Cuối tháng 6 vừa qua, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã dẫn đầu đoàn công tác sang làm việc với Bộ Giáo dục và Nghiên cứu liên bang Đức (BMBF), mà trọng tâm là khóa họp lần thứ ba Ủy ban về hợp tác khoa học - công nghệ giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và BMBF.
Tại phiên họp này, hai bên thống nhất sẽ mở rộng nhiều chương trình hợp tác song phương giữa các cơ quan của chính phủ, các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức khoa học - công nghệ của hai nước trong tương lai.
Hướng đến kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Đức và 10 năm ký Hiệp định khoa học - công nghệ giữa hai nước trong năm 2025, hai bên sẽ cùng nhau xây dựng các hoạt động có ý nghĩa để kỷ niệm các sự kiện này.
Ngoài ra, sự hợp tác phong phú, đa dạng, hiệu quả và chủ động giữa các địa phương của Việt Nam và Đức tiếp tục là một điểm sáng trong quan hệ hai nước.
Các khuôn khổ triển khai ngoại giao kinh tế cũng được tiếp tục tăng cường và mở rộng với nhiều bước tiến quan trọng.
Hai nước đã kết thúc thành công Đàm phán Chính phủ hàng năm về viện trợ phát triển chính thức (ODA), qua đó Đức cam kết viện trợ không hoàn lại 61 triệu euro cho Việt Nam cho gia đoạn 2024-2025.
Hai bên cũng đã tiến hành họp Phiên thứ hai Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế song phương. Hai bên tiếp tục tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy triển khai các dự án "hải đăng" của Đức ở Việt Nam.
Một lĩnh vực quan trọng mà hai bên đã có nhiều thành tựu hợp tác đáng chú ý, đó là phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng và chống biến đổi khí hậu, khi Đức tiếp tục có những hỗ trợ tích cực cho Việt Nam triển khai cam kết trong khuôn khổ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và doanh nghiệp hai nước chủ động nắm bắt các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực này.
Chúng ta cũng rất vui mừng chứng kiến nhiều kết quả quan trọng trên lĩnh vực ngoại giao văn hóa, đối ngoại và giao lưu nhân dân với nhiều hoạt động được tổ chức ở cả hai nước, đặc biệt là các hoạt động kỷ niệm 10 năm kết nghĩa giữa thành phố Wernigerode và thành phố Hội An; lễ chính thức đặt viên đá ghi nhận quan hệ kết nghĩa giữa Leipzig và TPHCM; các hoạt động quảng bá Việt Nam nói chung và văn hóa, nghệ thuật của các nghệ sỹ Việt Nam tại Đức nói riêng; các hoạt động quảng bá voi Việt Nam thông qua việc cộng đồng người Việt tài trợ để Đại sứ và Phu nhân đứng ra đỡ đầu một cô voi con gốc Việt; sự kiện khánh thành khu bảo tồn và cứu trợ các động vật hoang dã tại Vườn thú Leipzig – nơi đã hai thập kỷ có các nỗ lực hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.
Chúng ta rất vui mừng nhận thấy cộng đồng ta tại Đức thời gian qua ngày càng lớn mạnh và đoàn kết, hội nhập thành công, hướng về quê hương thứ nhất đồng thời nỗ lực đóng góp cho sự phồn vinh của quê hương thứ hai.
Cuối năm 2023, Đại hội thành lập Liên hiệp Hội Người Việt Nam tại CHLB Đức đã được tổ chức thành cộng. Chúng ta tin tưởng rằng Liên hiệp sẽ là người đại diện chân chính cho toàn thể cộng đồng người Việt tại CHLB Đức, ngày càng có vai trò quan trọng trong cuộc sống chính trị và xã hội sở tại, bảo vệ lợi ích chính đáng của cộng đồng người Việt, đồng thời là tổ chức kết nối và đoàn kết rộng rãi mọi cá nhân, tổ chức, hội đoàn của người Việt, làm cầu nối thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác, hữu nghị và gắn bó giữa nhân dân hai nước, thực hiện được những mục tiêu cao đẹp được nêu trong Điều lệ của Liên hiệp.
Năm 2025, Việt Nam và CHLB Đức sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, từ góc độ của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, chúng ta đã có những kế hoạch gì để chuẩn bị cho năm kỷ niệm lớn này?
Đại sứ Vũ Quang Minh: Năm 2025 là một cột mốc quan trọng trong quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Đức khi hai nước long trọng kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, 23/9/1975-23/9/2025.
Nhân dịp này, hai nước đã lên một kế hoạch các hoạt động phong phú để chào mừng. Về phía Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, chúng tôi dự kiến sẽ mở màn năm kỷ niệm bằng việc tổ chức Tết Cộng đồng 2025 tại Tòa Thị chính Berlin.
Tiếp đó, nhân chuyến thăm chính thức dự kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Đức, Đại sứ quán sẽ phối hợp với Liên hiệp hội người Việt Nam tại Đức tổ chức buổi gặp mặt giữa Thủ tướng và Đoàn đại biểu cấp cao với cộng đồng tại Cung Văn hóa Đồng Xuân Berlin. Đây là chuyến thăm mang nhiều ý nghĩa lớn, có nhiều hoạt động phong phú, nhằm mục đích đưa quan hệ Đối tác Chiến lược Việt-Đức lên một tầm cao mới.
Ngoài ra, chúng tôi cũng dự kiến sẽ tổ chức Lễ hội Việt Nam tại Vườn Thế giới Berlin và có thể tiến tới tổ chức thường niên; tổ chức Những Ngày Việt Nam tại CHLB Đức, bao gồm các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực và giao lưu kinh tế - thương mại, xúc tiến đầu tư, du lịch; động thổ xây dựng Đình Việt Nam tại Vườn Thế giới Berlin; và dựng một biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam – Đức tại khuôn viên Đại sứ quán để đánh dấu kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao hai nước.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Theo baochinhphu.vn