Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố: Theo dõi chặt chẽ thông tin diễn biến của bão, mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn để chủ động triển khai các biện pháp, phương án kế hoạch giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra;
Tổ chức trực ban 24/24 giờ, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ” và các giải pháp về phòng, chống, ứng phó bão, mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất;
Rà soát, nắm chắc số lượng phương tiện, vật tư dự phòng phục vụ công tác phòng chống thiên tai ở từng địa phương, đơn vị và có phương án huy động phương tiện, lực lượng ứng cứu, khắc phục kịp thời khi có thiên tai xảy ra.
Giao UBND các huyện, thành phố:
Tập trung chỉ đạo, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ, giông lốc, sét và gió giật mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng; thông tin, cảnh báo kịp thời đến các tổ chức, cá nhân và người dân trên địa bàn biết để ứng phó thiên tai; đồng thời triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời hiệu quả theo quy định.
Tiếp tục chỉ đạo kiểm tra, rà soát những làng, hộ dân sinh sống ở khu vực dễ bị ảnh hưởng trực tiếp của bão, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất (vùng ven sông, ven suối, ven sườn đồi dễ bị sạt lở, vùng trũng…), vận động người dân tại các khu vực xung yếu, vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lũ quét, lũ ống đến nơi an toàn nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản; tổ chức cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực bị ngập sâu, sạt lở đất, lũ quét... có nguy cơ mất an toàn; hướng dẫn, khuyến cáo người dân trong các hoạt động khi có mưa lũ.
Phân công thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện bám sát địa bàn các xã xung yếu để kịp thời phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo công tác phòng, ứng phó với thiên tai và khắc phục những thiệt hại sau mưa, lũ; theo dõi, phối hợp chỉ đạo, tổ chức giám sát việc vận hành các hồ chứa nước trên địa bàn theo quy trình vận hành được cấp thẩm quyền phê duyệt, kịp thời cảnh báo và bảo đảm an toàn cho người dân vùng hạ du.
Khi có thiên tai xảy ra trên địa bàn huyện, thành phố, các địa phương chủ động rà soát, cân đối ngân sách cấp huyện, các nguồn vốn hợp pháp theo quy định và huy động lực lượng theo phương châm “04 tại chỗ” hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống; khắc phục sạt lở đường các tuyến giao thông thuộc thẩm quyền nhằm đảm bảo an toàn giao thông.
Đồng thời, Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan có phương án ứng phó khắc phục sự cố trên các tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ và một số tuyến đường xung yếu đảm bảo an toàn và giao thông thông suốt; tổ chức cắm các biển báo, cảnh báo, nghiêm cấm người, phương tiện lưu thông qua khu vực bị ngập lụt, nguy hiểm khi có tình huống thời tiết xấu xảy ra.
Bên cạnh đó, các sở, ban ngành là thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh bám sát địa bàn được phân công, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo công tác phòng, ứng phó khi có mưa to và lũ, sạt lở đất xảy ra.
Ngoài ra, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh theo dõi, nắm chắc tình hình, diễn biến bão, mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất...
Yến Linh