Điều gì khiến những con số khô khan lại có sức mạnh biến thành "vũ khí" sắc bén, thúc đẩy sự thay đổi trong tư duy lãnh đạo của Đảng và tư duy quản lý của các tổ chức nhà nước, hướng tới mục tiêu xây dựng một nhà nước "của dân, do dân và vì dân"?
Phải chăng, ẩn sau những bảng sao kê ấy là câu chuyện về sự liêm chính, về cách mà chúng ta – chính quyền và nhân dân - cùng nhau bảo vệ lợi ích chung, hướng tới một xã hội công bằng và minh bạch? Những câu hỏi này không chỉ khiến chúng ta suy ngẫm mà còn thôi thúc nhìn nhận lại vai trò của sao kê – một công cụ tưởng chừng giản đơn nhưng lại mang sức mạnh của một quả đấm thép trong việc củng cố lòng tin và xây dựng nền tảng đoàn kết quốc gia.
Từ thiện cá nhân: Tại sao lại được người dân quan tâm đến vậy?
Trong những năm gần đây, mỗi khi bão lũ ập đến, nhiều cá nhân đã đứng ra tổ chức các hoạt động từ thiện nhằm hỗ trợ đồng bào gặp khó khăn, trong đó, có một số trường hợp (là những nghệ sĩ, người nổi tiếng) nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận. Họ đã tổ chức các hoạt động từ thiện với quy mô lớn, thu hút sự quan tâm đặc biệt từ phía công chúng và nhận được số tiền ủng hộ “rất khủng”. Đặc biệt, trong năm 2020, khi cơn bão lũ tàn phá miền Trung, nhiều nghệ sĩ đã kêu gọi quyên góp và chỉ trong vài ngày, số tiền mà họ nhận được đã lên tới hàng trăm tỷ đồng. Sự kiện này đã làm dấy lên câu hỏi: Tại sao những cá nhân đó lại thu hút được lòng tin và sự ủng hộ mạnh mẽ đến như vậy?
Câu trả lời có thể nằm ở sự chân thành và minh bạch mà các cá nhân này thể hiện trong các hoạt động từ thiện của mình. Trên các phương tiện truyền thông, hình ảnh mà chúng ta thấy, trong suốt quá trình cứu trợ, nhiều nghệ sĩ đã trực tiếp đi tới các vùng bị thiệt hại, trao quà và tiền hỗ trợ cho người dân. Hình ảnh giản dị, chân thành của họ khi tự tay phân phát từng món quà, tận tay trao tiền đến những người dân khốn khó đã tạo nên một hình tượng gần gũi, đáng tin cậy. Chính sự tiếp cận trực tiếp và công khai này đã giúp tăng cường lòng tin của công chúng, khi họ thấy rõ rằng số tiền họ đóng góp được sử dụng đúng mục đích.
Minh bạch tài chính: Công cụ quan trọng trong quản lý nguồn lực
Mặc dù các hoạt động từ thiện cá nhân xuất phát từ lòng nhân ái và ý thức trách nhiệm với xã hội, nhưng việc quản lý số tiền lớn từ sự đóng góp của cộng đồng đặt ra câu hỏi về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Quay lại câu chuyện về hoạt động từ thiện của những nghệ sĩ, người nổi tiếng ở trên, khi số tiền ủng hộ lên đến hàng trăm tỷ đồng, công chúng bắt đầu đặt ra những yêu cầu rõ ràng về sao kê và công khai tài chính. Đó là lý do mà các cá nhân này đều đối mặt với áp lực phải công khai sao kê để minh bạch trong quản lý số tiền từ thiện.
Việc minh bạch tài chính không chỉ bảo vệ các cá nhân khỏi những cáo buộc không căn cứ, mà còn là cách để bảo vệ uy tín của các tổ chức và chính quyền. Khi người dân thấy rằng tiền của họ được sử dụng một cách minh bạch, đúng mục đích, nhân dân sẽ yên tâm hơn và sẵn sàng tiếp tục đóng góp.
Trong bối cảnh hiện tại, minh bạch không chỉ là vấn đề của các cá nhân làm từ thiện mà còn liên quan mật thiết đến hệ thống quản lý tài chính của Nhà nước. Minh bạch tài chính là một trong những trụ cột quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước. Chính sách "tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình" được Đảng ta xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII không chỉ nhằm đảm bảo quản lý tài chính hiệu quả mà còn nhằm củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.
Âm mưu của các thế lực thù địch từ các sự kiện kêu gọi từ thiện
Mặc dù các hoạt động từ thiện do những cá nhân có tầm ảnh hưởng trong xã hội trực tiếp tổ chức - xuất phát từ tấm lòng trong sáng và tinh thần nhân văn cao cả của dân tộc, nhưng các thế lực thù địch đã lợi dụng các sự kiện này để thực hiện âm mưu nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Những tin đồn về việc lạm dụng tiền từ thiện, trục lợi cá nhân đã được chúng lan truyền rộng rãi với mục đích gây hoang mang và làm suy yếu niềm tin của người dân vào các cá nhân, tổ chức. Chúng tìm cách bôi nhọ, xuyên tạc rằng chính quyền không có khả năng quản lý tài chính hiệu quả, từ đó kích động sự nghi ngờ của người dân.
Tuy nhiên, chính việc công khai sao kê đã giúp dập tắt những âm mưu chia rẽ này. Khi các cá nhân kêu gọi từ thiện công khai sao kê tài khoản, họ không chỉ bảo vệ bản thân mà còn gửi đi một thông điệp rõ ràng về sự minh bạch và trách nhiệm. Việc này cho thấy rằng minh bạch tài chính không chỉ là công cụ quản lý hiệu quả mà còn là "vũ khí" sắc bén để bảo vệ lòng tin của người dân.
Như Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu: "khắc phục bằng được tệ 'tham nhũng vặt', gây bức xúc trong xã hội, làm tổn thương tình cảm và niềm tin của nhân dân."[1] Đây là một lời nhắc nhở rằng, việc duy trì sự minh bạch, đặc biệt trong các lĩnh vực dễ bị thao túng như tài chính, là cần thiết để giữ vững niềm tin của người dân vào hệ thống chính trị.
Sao kê: Minh bạch tài chính và trách nhiệm giải trình
Trong tâm thức của nhiều người, sao kê thường chỉ đơn thuần được hiểu như một bảng liệt kê các giao dịch trên tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, sao kê không chỉ dừng lại ở đó. Trong bài viết này, “sao kê” hiểu theo nghĩa rộng là trách nhiệm giải trình minh bạch các hoạt động tài chính của cơ quan nhà nước dưới sự giám sát của nhân dân, thể hiện tinh thần "không giấu diếm, không che đậy".
Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm; việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta[2].” Minh bạch tài chính qua việc công khai sao kê chính là việc làm "lợi cho dân", giúp dân hiểu rõ và tin tưởng vào hoạt động của các cơ quan nhà nước và tổ chức. Chính trong bối cảnh này, sao kê không còn đơn thuần là công cụ quản lý tài chính mà đã trở thành biểu tượng của trách nhiệm và lòng tin. Khi các cá nhân tổ chức từ thiện chủ động công khai sao kê, họ không chỉ chứng minh sự minh bạch mà còn tạo ra một tiền đề vững chắc để bảo vệ sự đoàn kết toàn dân tộc. Đối với các tổ chức Nhà nước, việc công khai sao kê tài chính cũng trở thành một phần không thể thiếu trong việc thực hiện trách nhiệm giải trình trước nhân dân.
Câu chuyện về việc công khai sao kê không chỉ dừng lại ở hoạt động từ thiện của các cá nhân. Nó mở ra một cuộc thảo luận rộng hơn về vai trò của minh bạch trong hệ thống quản lý tài chính Nhà nước. Khi mọi hoạt động tài chính đều được công khai, không chỉ các thế lực thù địch không còn cơ hội lợi dụng mà niềm tin của người dân vào Đảng và Nhà nước càng được củng cố. Trong bối cảnh đó, sao kê đã trở thành một công cụ sắc bén, đập tan âm mưu chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.
Minh bạch tài chính qua sao kê không chỉ là một hành động đơn giản mà còn là sự thay đổi trong tư duy lãnh đạo và quản lý của Đảng và Nhà nước ta. Sự công khai này không chỉ phản ánh trách nhiệm giải trình mà còn là minh chứng cho một nhà nước của dân, do dân và vì dân. Những câu chuyện từ thiện cá nhân, dù thành công hay gây tranh cãi, đã mở ra một giai đoạn mới trong tư duy quản lý, nơi minh bạch trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động.
Trong Kỳ 2, tác giả sẽ tiếp tục phân tích sâu hơn về vấn đề “sao kê”, không chỉ là công cụ quản lý tài chính mà còn là bước tiến lớn trong việc xây dựng một nhà nước minh bạch, của dân, do dân và vì dân. Sao kê sẽ tiếp tục chứng minh rằng niềm tin của người dân vào Đảng và Nhà nước có thể được củng cố thông qua sự minh bạch và trách nhiệm giải trình.
[1] Trích Toàn văn Phát biểu kết luận Hội nghị của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh ngày 19/06/2023.
[2] Lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bức “Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng”, ngày 17-10-1945, Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, Tập 4, trang 64-65.
* Bài dự Giải Búa Liềm Vàng khối doanh nghiệp Trung ương năm 2024
Tác giả: Đoàn Thị Yến – Phòng Dịch vụ Chi bộ 31,
Trung tâm Hỗ trợ khách hàng, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam