Kỳ 1: Thừa Thiên Huế- Xây dựng và phát triển Đảng viên trong doanh nghiệp cần có bài giải!
Năm 1996, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TW về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể Nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”.
Cụ thể hơn, năm 2019, Ban Bí thư có Chỉ thị số 33-CT/TW về tăng cường xây dựng tổ chức Đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân, với 10 nội dung trọng tâm, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng tập trung thực hiện tốt…
Mới đây, tại Nghị quyết TW 5 khóa XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: Cần đổi mới, hoàn thiện các loại hình tổ chức cơ sở Đảng, trong đó, quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện có đủ số lượng đảng viên để thành lập tổ chức Đảng trong doạnh nghiệp tư nhân, bảo đảm chất lượng, phát huy được vai trò lãnh đạo, định hướng hoạt động của doanh nghiệp.
Điều đó thể hiện sự quan tâm của Đảng trong việc xây dựng và phát triển Đảng trong doanh nghiệp nhất là loại hình doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Tuy nhiên ở Thừa Thiên Huế cũng như nhiều tỉnh thành khác trong cả nước, việc xây dựng và phát triển Đảng còn nhiều hạn chế. Trao đổi với Thương hiệu và Công luận, ông Nguyễn Tài Tuệ - Bí thư Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, tập trung một số nguyên nhân: Do nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân chưa hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng đối với việc thành lập tổ chức Đảng trong doanh nghiệp, không muốn người lao động vào Ðảng và tham gia sinh hoạt Đảng vì sợ mất nhiều thời gian, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp - Nhiều doanh nghiệp chưa có các tổ chức đoàn thể hoặc có nhưng chưa phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ được giao, nhất là công tác tham gia xây dựng Đảng. Do đó, việc thành lập mới tổ chức Đảng trong doanh nghiệp tư nhân còn rất hạn chế; tỷ lệ tổ chức Đảng trong doanh nghiệp tư nhân rất thấp (1,22%). Mặt khác, hoạt động của các tổ chức Đảng, Đảng viên trong nhiều doanh nghiệp tư nhân vẫn còn mang tính hình thức; chất lượng, nội dung sinh hoạt chi bộ chưa tốt, do đó không tạo được động lực cho người lao động phấn đấu vào Đảng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phát triển Đảng viên.
Bên cạnh đó, một bộ phận người lao động không xác định được động cơ vào Đảng và không mặn mà với việc được đứng vào hàng ngũ của Đảng; họ cho rằng vào Đảng hội họp, học tập nhiều làm mất thời gian, ảnh hưởng đến thu nhập. Ngoài ra, nhiều công nhân làm việc theo ca kíp và thường xuyên phải thay đổi công việc, dẫn đến khó khăn trong công tác bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp Đảng viên mới.
Thực tế hơn, nhiều chủ doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh trên địa bàn họ thừa nhận những nguyên nhân đó là không sai nhưng quan trọng nhất theo họ là với doanh nghiệp cần phải giải đáp được các câu hỏi: Xây dựng và phát triển tổ chức Đảng trong doanh nghiệp thì công ty được lợi gì? Tại sao trong doanh nghiệp cần có tổ chức Đảng?...
“Cái được” theo Giám đốc nhiều doanh nghiệp nhà nước, Công ty cổ phần hay chủ doanh nghiệp ngoài nhà nước cho rằng, trước đây tổ chức cơ sở Đảng trong các doanh nghiệp sinh hoạt Đảng bộ khối riêng (Đảng bộ khối Doanh nghiệp). Tại đây bên cạnh nắm rõ đường lối chủ trương của Đảng thì họ “được lợi” là có cơ hội giao lưu, tìm hiểu liên doanh liên kết làm ăn, sản xuất kinh doanh, chia sẻ kinh nghiệm đầu tư… với các chi đảng bộ doanh nghiệp khác, nay tổ chức cơ sở Đảng trong các doanh nghiệp kinh tế ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh theo phân cấp không còn trực thuộc Đảng ủy khối mà trực thuộc Thành ủy Huế hay các thị ủy, huyện ủy, các phường, xã. Điều này gây nhiều khó khăn cho họ vì một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương không nắm rõ tình hình doanh nghiệp, nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân nên ít quan tâm, không hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Thậm chí còn gây khó khăn, khi họ vì chuyên môn không thể tham gia các hoạt động, phong trào của địa phương hay vì các nguyên nhân khác dẫn đến có chi bộ, Đảng bộ đã giải tán. Đơn cử như tổ chức Đảng của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu & Đầu tư Thừa Thiên Huế (Unimex Huế), trao đổi với Thương hiệu và Công luận, ông Trần Hùng Nam- Phó Bí thư thường trực Thành ủy Huế cho biết “Chi bộ này Thành ủy Huế tiếp nhận từ Đảng ủy Khối vào tháng 01/2019 và đến tháng 3/2020 thì giải thể”.
Câu hỏi, tại sao trong doanh nghiệp cần có tổ chức Đảng, hầu như các doanh nghiệp nhà nước đều nhận thức tốt: Tổ chức Đảng là cầu nối gắn kết doanh nghiệp chặt chẽ hơn với cấp ủy, chính quyền địa phương; phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người lao động tới chủ doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn mà điển hình là đại dịch Covid- 19 vừa qua, nhiều chi Đảng bộ trong doanh nghiệp đã cùng chủ doanh nghiệp đối mặt khó khăn, không sợ khó, không sợ khổ, động viên người lao động hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng với các doanh nghiệp ngoài khối nhà nước thì hạn chế hơn, có mấy chủ doanh nghiệp tư nhân hiểu rằng, có tổ chức Đảng trong doanh nghiệp thì họ sẽ có ý thức cao hơn trong thực hiện các hoạt động của mình, tuân thủ các chuẩn mực đạo đức trong kinh doanh, phát triển ổn định hơn. Họ chỉ nghĩ đơn giản càng nhiều tổ chức trong doanh nghiệp càng mất thời gian, tăng chi phí, bộ máy thêm nhiều việc, ảnh hưởng sản xuất....Điển hình như Công ty TNHH Xi măng Luks sản xuất gây ảnh hưởng môi trường, đời sống bị người dân sống xung quanh phản đối, Đảng ủy công ty đã sát cánh cùng chủ doanh nghiệp nước ngoài giải quyết khắc phục tồn tại…
Có lẽ thấy được những vướng mắc trên và từ thực tiễn, ngày 07/7/2022, Bộ Chính trị đã có Thông báo số 16-TB/TW kết luận “Về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII”. Theo đó, Bộ Chính trị cho rằng, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng lãnh đạo, tạm dừng thực hiện thí điểm các mô hình sắp xếp, hợp nhất, trong đó tiếp tục tổ chức Đảng bộ Khối Doanh nghiệp cấp tỉnh theo Kết luận số 34-KL/TW ngày 07/8/2018 của Bộ Chính trị.
Kỳ 3: Cần đổi mới trong công tác Xây dựng, phát triển tổ chức Đảng trong doanh nghiệp
Trần Minh Tích