Kỳ 1: Thực trạng xây dựng và phát triển Đảng trong doanh nghiệp ở Thừa Thiên Huế
Hoạt động xây dựng và phát triển Đảng trong các doanh nghiệp ở Thừa Thiên Huế nhất là doanh nghiệp nhà nước đa phần là tốt, chỉ một bộ phận nhỏ chủ doanh nghiệp nhất là tư nhân hay cổ phần do nhận thức hay nhiều lý do khác nhau còn xem nhẹ. Thậm chí có nơi còn xem như là lực cản, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nên gây nhiều khó khăn trong hoạt động của các tổ chức Đảng cơ sở.
Điển hình như Công ty cổ phần xuất nhập khẩu & Đầu tư Thừa Thiên Huế (Unimex Huế) khi còn là doanh nghiệp nhà nước tổ chức Đảng có hơn trăm Đảng viên, là một Đảng bộ mạnh, xây dựng chi bộ từ Văn phòng đến các phân xưởng. Chuyện thay đổi khi công ty thực hiện cổ phần hóa, mấy năm đầu khi vốn chủ sở hữu nhà nước còn chi phối thì êm đẹp nhưng từ năm 2012, sau khi cả Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc đều từ TP Hồ Chí Minh ra nắm giữ thì hàng loạt tổ chức, đoàn thể trong công ty bị làm khó. Ông Phan Ngà, nguyên Chủ tịch Công đoàn công ty lúc đó đã có văn bản gửi lên tổ chức công đoàn cấp trên phản ánh việc lãnh đạo Công ty không đồng ý với nhân sự mà Đại hội Công đoàn bầu chọn nên gây khó khăn. Công đoàn còn vậy, tổ chức Đảng càng khó khăn hơn, Ông Nguyễn Quốc Tuấn- nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó chủ tịch thường trực HĐQT Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu & Đầu tư Thừa Thiên Huế cho biết: “Chỉ mới nhận chức TGĐ công ty, ông Võ Văn H.. đã thể hiện thái độ không tôn trọng tổ chức Đảng, Công đoàn Công ty. Chỉ trong thời gian ngắn, bằng nhiều biện pháp, thủ đoạn, ông H.. đã ép buộc, cho thôi việc 11 người là Bí thư, phó Bí thư Đảng ủy, Bí thư Chi bộ, đảng viên của Unimex Huế”. Ngay bản thân ông Tuấn đang là Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT công ty cũng bị ông H.. ra quyết định cách chức, buộc ông Tuấn phải có đơn khiếu nại lên Chủ tịch HĐQT, Đảng ủy khối doanh nghiệp lúc đó.
Việc “vô hiệu hóa” các tổ chức, đoàn thể trong công ty kéo dài mấy tháng liền. Cả công ty chia bè phái, mất đoàn kết. Thời điểm đó, người viết bài này và một số cơ quan báo chí cùng lên tiếng, các cơ quan liên quan cùng “vào cuộc” câu chuyện mới tạm yên sau đó, khi TGĐ vào lại TP Hồ Chí Minh.
Hay Công ty cổ phần Dệt may Huế, có thời điểm cũng có nhiều khúc mắc khi xác định loại hình doanh nghiệp, đây là doanh nghiệp nhà nước hay Công ty tư nhân- ông Nguyễn Tài Tuệ, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy khối Cơ quan và Doanh nghiệp Thừa Thiên Huế cho biết, nhưng điều đáng mừng theo ông Tuệ “Đây là một doanh nghiệp có truyền thống, một Đảng bộ vững mạnh, đoàn kết nên những vướng mắc đều qua đi. Tổ chức Đảng trong công ty hoạt động hiệu quả, có tác dụng tốt trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”.
Công ty Bia Carlsberg Việt Nam, (Công ty Bia Huế trước đây), khi còn vốn liên doanh nhà nước là một Đảng bộ mạnh, nhưng từ khi chuyển sang doanh nghiệp 100% vốn FDI thì tổ chức Đảng rất mờ nhạt. Đến nỗi ông Nguyễn Đắc Tập, Trưởng ban Dân vận Thị ủy Hương Thủy cho biết tổ chức Đảng vẫn còn nhưng khi hỏi một cán bộ người Việt có trách nhiệm trong Công ty, họ cho rằng “Từ khi chuyển nguồn vốn cho đối tác nước ngoài vào năm 2013 thì tổ chức Đảng không còn nữa”.
Với công ty tư nhân càng lúng túng hơn! Ông Trần Đức Minh, Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ Thừa Thiên Huế cho biết, hội viên của Hội là 125 doanh nghiệp, một số đơn vị có Đảng viên nhưng hoạt động chưa rõ nét, chưa hình thành tổ chức Đảng. Đơn cử như ông Trần Minh Đức- Giám đốc Công ty cổ phần Hồng Đức, một doanh nghiệp có uy tín trên địa bàn trong lĩnh vực đào tạo, kinh doanh văn hóa phẩm… cho biết, doanh nghiệp có 32 cán bộ công nhân viên, trong đó có 04 Đảng viên, họ sinh hoạt, hoạt động theo địa phương nơi cư trú. Khi tôi đặt vấn đề sao không xây dựng tổ chức Đảng trong doanh nghiệp để làm nòng cốt trong hoạt động của công ty, ông cho biết “Tôi không phải là Đảng viên, cũng không biết cách thức nên sợ chỉ đạo sai và các Đảng viên này cũng không đề xuất!”.
Số liệu của Đảng ủy khối Cơ quan và Doanh nghiệp Tỉnh cho biết, Thừa Thiên Huế là địa phương có số lượng doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước khá lớn. Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có trên 5000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 4978 doanh nghiệp thuộc các đơn vị kinh tế tư nhân. Trong tổng số 5000 doanh nghiệp, có 108 tổ chức cơ sở đảng, trong đó có 61 tổ chức cơ sở đảng hoạt động trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, với 983 đảng viên.
Từ thực tế doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm số lượng công nhân đông đảo, nhất là lĩnh vực may mặc, chế biến có đến hàng chục nghìn lao động nhưng Đảng viên lại quá ít, đó là điều các tổ chức Đảng cần quan tâm. Thực tế cho thấy rằng, có nơi, chủ doanh nghiệp rất quan tâm, thậm chí ngay bản thân họ có mong muốn tiếp cận với tổ chức Đảng nhưng do các Đảng viên trong công ty thiếu năng động, tổ chức Đảng cấp trên chưa thực sự quan tâm hay thiếu phương pháp vận động nên việc xây dựng, phát triển Đảng trong doanh nghiệp chưa phát huy hiệu quả.
Bài 2: Để doanh nghiệp mặn mà với tổ chức Đảng
Trần Minh Tích