Đóng chỗ này… lại mở chỗ khác
Sau bài phản ánh “Lương y ” Nguyễn Thị Nghê tự phong danh hiệu, chữa bệnh và bán thuốc?”, liên quan đến việc bà Nguyễn Thị Nghê mở nhiều phòng khám, bắt mạch và bốc thuốc chữa bệnh cả nước. Trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng có 2 phòng khám của bà Nghê tại quận Hà Đông và huyện Mỹ Đức, mỗi ngày có hàng trăm lượt bệnh nhân đến đây thăm khám và bốc thuốc chữa bệnh tiểu đường với giá từ 1,5 triệu đồng đến 1 triệu 950 nghìn đồng. Điều đáng nói, những phòng khám này lại chưa có giấy phép hoạt động, đồng nghĩa những người phụ tá từ bốc thuốc, trợ lý này có giấy chứng chỉ hành nghề hay chưa thì không rõ, nguồn gốc dược liệu thuốc có đảm bảo chất lượng hay không thì khó ai có thể biết được.
Theo ông Nguyễn Quang Trung -Trưởng Phòng hành nghề y dược, Sở Y tế Hà Nội, sau khi nhận được phản ánh từ phía PV, ông có liên hệ tới cơ quan chức năng của quận Hà Đông và huyện Mỹ Đức tại thời điểm PV đến làm việc nhưng gần 2 tuần, ông vẫn chưa nhận được báo cáo về sự việc của 2 địa phương trên.
Theo nguồn tin riêng của PV, hiện 2 phòng khám tại địa chỉ là nhà thuốc Bảo Xuân Đường (Thôn La Đồng, xã Hợp Tiến, Mỹ Đức) và phòng khám tại U05 – 34 khu D Khu đô thị Đô Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội, PV có nêu lên trong bài phản ánh trước, đã “gỡ biển” đóng cửa. Nhưng thực chất, vị “lương y” này vẫn đang hoạt động, nhưng cơ quan chức năng sở tại thì vẫn không hay biết?.
Lần theo chứng cứ thu thập được, PV liên hệ tới số điện thoại được đăng trên fanpage facebook, trong vai là người có nhu cầu tiếp tục đến bốc thuốc khám chữa bệnh cho mẹ bị bệnh tiểu đường, PV được người tự xưng là “lương y” Nguyễn Thị Nghê nhắn tin cung cấp địa chỉ và thông tin thời gian ngày cụ thể đến bốc thuốc.
Đúng ngày hẹn, PV có mặt tại địa chỉ số 11, lô A22, khu đô thị GELEXINCO cổng 1, Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội, phía ngoài phòng khám lại được ghi là cửa hàng bán nội thất. Dường như đã “đánh được mùi” nguy hiểm tại phòng khám vòng trong vòng ngoài có nhiều người trông coi. Theo quy định tại đây, ai đến thăm khám và bốc thuốc đều phải bốc số thứ tự để chờ đến lượt, khi đến lượt thì tiếp tục lên tầng 2 để chờ đợi, sau đó sẽ gặp “lương y” Nghê.
Đằng sau cửa hàng nội thất lại là một thế giới khác…
Với căn phòng chờ khoảng 30m2, hàng chục bệnh nhân từ trẻ nhỏ đến người già ngồi chờ trên ghế, thời điểm PV đến cơ sở là người thứ 50 đang vào thăm khám.
Rất nhiều bệnh nhân đang chờ đến lượt để “lương y” Nghê thăm khám bệnh
Hỏi đến bất kỳ bệnh nhân nào tại đây: vì sao lại biết đến vị “lương y” Nghê này, rất nhiều người cho biết đây cũng là lần đầu tiên họ đến đây. Thấy trên mạng và truyền hình có thông tin về phòng khám của vị Nghê này thì họ liên hệ và được cho địa chỉ để đến thăm khám, bốc thuốc.
Nhưng theo ông H. một bệnh nhân, người đã có “kinh nghiệm” lần 2 lấy thuốc tại phòng khám bà Nghê cho hay: “Tôi ở Thường Tín, đây là lần thứ 2 tôi lấy thuốc, lần trước tôi lấy thuốc ở Hòa Bình... Tháng trước chỉ số là 8,8 uống thuốc này xong nó lên 9,3”…
Người đàn ông có nhiệm vụ “đón tiếp bệnh nhân” ghi số thứ tự để bệnh nhân vào khám tại cơ sở
Sau gần 1 tiếng chờ đợi, cuối cùng cũng đến lượt PV vào thăm khám, tại tầng 2 nơi “lương y” Nghê miệt mài bắt mạch và bốc thuốc chữa bệnh cho nhiều bệnh nhân…
Lương y Nguyễn Thị Nghê đang bắt mạch cho bệnh nhân
Hình ảnh của cô “phụ tá” đang nghe bệnh nhân nói về tình trạng bệnh
Hơn chục bệnh nhân cũng đang chờ đợi đến lượt mình để được “lương y” Nghê bắt mạch rồi kê đơn thuốc… cứ người ra kẻ vào lần lượt. Cuối cùng, ai cũng “tay xách nách mang” rất nhiều thang thuốc về để dùng dần. Liệu số thuốc này có giúp bệnh nhân khỏi bệnh hay tình trạng ngày càng nặng thêm(?).
Sau thời gian chờ xếp số đến lượt, nhiều bệnh nhân “tay xách nách mang” sổ khám bệnh và thuốc về để uống
Sau cùng, trước khi ra về PV được người đàn ông “đón tiếp bệnh nhân” dặn dò với trường hợp bệnh nhân bị liệt không đi lại được: “Cung cấp số điện thoại để gặp bệnh nhân, để kể lại tình trạng bệnh cho “lương y” Nghê... Không cần đến tận nơi (cơ sở của bà Nghê - PV), đến bệnh viện kiểm tra sau đó chụp phiếu kết quả mang lên thì bác sỹ sẽ kê thuốc cho bệnh nhân”. Người đàn ông cũng dặn dò trước khi đi cứ gọi điện cho số điện thoại trên tờ phiếu thăm khám, vì địa chỉ có thể không còn ở đây.
Quảng cáo trên mạng là thế, bà Nghê được tung hô lên trời với bài thuốc nam chữa khỏi bệnh tiểu đường “rúng động giới truyền thông”. “Có bệnh thì vái tứ phương”, nhiều bệnh nhân đã tin vào những video phóng sự được quảng cáo trên mạng xã hội mà tìm đến vị “lương y” Nghê này. Nhưng lại không hề biết đây là một phòng khám “chui”, giao tính mạng của mình cho một vị “lương y” ảo.
Bởi, đến nay nhiều bệnh nhân cứ luôn tin rằng, cứ quảng cáo trên mạng là đúng, được phát sóng trên kênh “truyền hình” thì chắc hẳn bà Nghê rất giỏi. Nhưng thực chất, liệu đây có phải những kênh truyền hình chính thống và có sự tin cậy tuyệt đối hay là một dạng truyền thông “bẩn” tiếp tay cho vị lương y rởm, chưa được cấp phép hoạt động mở phòng khám và những bài thuốc trên đều chưa được cơ quan chức năng kiểm chứng?
Đây là một sự việc cụ thể để cảnh tỉnh cho những người dân có ý định tin vào “mạng xã hội”. Khi bị mắc bệnh, bệnh nhân nên tìm đến những cơ sở như bệnh viện, phòng khám có uy tín để thăm khám và cắt thuốc đã được cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm định cấp giấy phép hoạt động. Đây là việc làm cần thiết để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của mình, đừng dễ tin vào “mạng xã hội” tránh trường hợp “tiền mất tật mang”.
Đá bóng trách nhiệm
Những ngày theo chân vị “lương y” Nguyễn Thị Nghê, PV đã chứng kiến nhiều mặt trái và những hành vi vi phạm đạo đức nghề y. Điển hình, sau bài phản ánh thì những cơ sở trên đã biến mất không để lại dấu vết. Cũng theo đó phòng khám mới, tại địa phương mới cũng được mọc ra. Từng lớp bảo vệ vòng trong vòng ngoài. Bất cứ người thăm khám, bắt mạch cho bệnh nhân đến người bốc thuốc, trợ lý cho bà Nghê đều không hề mặc đồng phụ và có bảng tên theo đúng quy định của ngành Y tế.
Bên ngoài là một cửa hàng bán nội thất, đi vào bên trong lại là “phòng khám đặc biệt” của bà Nghê? Vào những ngày thăm khám sẽ rất nhiều người thường xuyên ra vào tại đây. Câu hỏi đặt ra, liệu lượng chức năng sở tại có nắm bắt được thông tin này hay không?
Sau khi có bằng chứng xác thực về vị “lương y rởm”, bà Nghê vẫn tiếp tục hành nghề trên địa bàn TP. Hà Nội (mỗi lần đều đổi sang một quận huyện khác nhau, nhưng cách thức hoạt động thì giống nhau). PV đã liên hệ với ông Nguyễn Việt Cường - Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, trình bày rõ lý do và đề nghị ông cùng hợp tác phối hợp với PV, ngay lập tức ông Cường nói: “Em phải xuống phòng y tế của huyện Hoài Đức, nó xảy ra trên địa bàn huyện Hoài Đức thì phòng y tế ở huyện đó người ta chịu trách nhiệm quản lý. Cái vấn đề nào, xảy ra trên địa bàn nào thì người ta phải làm. Chứ còn các em bây giờ có cung cấp cho anh cũng chỉ kiểm tra được cơ sở đấy thôi, còn lại phải do nội dung báo chí mình viết như thế nào, dập ở chỗ ấy rồi, viết như thế nào để người ta hiểu và cảnh báo cho người bệnh chứ. Còn Sở y tế Hà Nội chỉ đến kiểm tra chỉ đạo xuống địa phương đó khi PV cung cấp thông tin mà thôi”… Ông Cường cũng từ chối phối hợp làm việc cùng PV.
PV tiếp tục liên hệ với bà Bình - Trưởng phòng Y tế quận Hà Đông, cho biết hiện nay phía phòng vẫn đang tiếp tục theo dõi trường hợp báo chí phản ánh trên địa bàn nhưng hiện sau 2 tuần vẫn chưa có kết quả…
Câu hỏi đặt ra, với những vị “lương y” không rõ bằng cấp, tự mọc phòng khám, dùng dược liệu thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, luôn di chuyển từ địa phương này qua địa phương khác sau khi bị báo chí phản ánh tại sao lại có thể hoạt động một cách ngang nhiên và thời gian lâu dài mà không bị cơ quan chức năng phát hiện ra?
Vậy thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm nếu bệnh nhân sử dụng thuốc mà không may xảy ra vấn đề về sức khỏe, tính mạng?
Phải chăng đây là trường hợp “khó” khiến cơ quan chức năng “bó tay” không quản lý và giám sát được?
Đề nghị các cơ quan chức năng hữu quan vào cuộc để đảm bảo quyền lợi của người dân, tránh những trường hợp xấu xảy ra.
Báo Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Trang Nguyễn