Ngày 16/01/2019, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 đã có văn bản số 17/VPTT-TH về việc đề nghị Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn kiểm tra, xác minh, xử lý các thông tin do Báo Lao động đưa tin về các nội dung trên. Đồng thời Văn phòng BCĐ cũng đã trực tiếp tổ chức kiểm tra, nắm tình hình về hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn đã triển khai lực lượng kiểm tra và nhận định những nội dung các Báo phản ảnh về tình trạng vận chuyển trái phép hàng hóa qua các đường mòn, lối mở khu vực hai bên cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) và các đường mòn, lối mở thuộc huyện Cao Lộc vào những ngày giáp tết Nguyên Đán Kỷ Hơi là đúng. Tại đây có nhiều người dân tụ tập để gùi hàng hóa qua biên giới; có nhiều xe container đậu thành hàng dài tại khu vực này để chờ xuất hàng. Hàng hóa chủ yếu là các loại nông sản do Việt Nam sản xuất được đưa lên biên giới để xuất sang Trung Quốc nhưng do chính sách kiểm soát, truy xuất nguồn gốc nông sản của Việt Nam khi xuất vào Trung Quốc rất chặt chẽ nên hàng hóa bị ách tắc, ứ động tại biên giới.
Hàng hóa này không đủ các điều kiện để xuất hàng qua các cửa khẩu chính mà đối tác phiá Trung Quốc chỉ nhận hàng qua các đường mòn, lối mở biên giới. Vì vậy chủ hàng Việt Nam đã thuê người dân địa phương mang vác hàng qua các đường mòn biên giới. Lợi dụng việc này, một số đối tượng đã thuê người dân vận chuyển hàng nông sản xuất qua biên giới khi quay về đã kết hợp vận chuyển trái phép hàng Trung Quốc vào Việt Nam. Hàng hóa chủ yếu là hàng may mặc, hành tạp hóa tiêu dùng phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tìm những giải pháp linh hoạt để giải phóng nhanh số hàng hóa là nông sản đang bị ứ động tại khu vực cửa khẩu để khắc phục tình trạng hàng uồn tắc tại cửa khẩu và giảm thiệt hại cho bà con nông dân (hoạt động này chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn trước tết Nguyên Đán). Đồng thời kiểm tra, xác định trách nhiệm của một số đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thuộc địa bàn các đơn vị này quản lý.
Từ kết quả kiểm tra, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã yêu cầu các đơn vị chủ động xem xét trách nhiệm, có hình thức xử lý các các đơn vị, cá nhân vi phạm.
Theo đó, đối với Đồn Biên phòng Tân Thanh: điều động 08 đ/c đang làm nhiệm vụ tại Đội công tác tại các lán chốt về kiểm điểm trách nhiệm; Tập thể Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn nghiêm khắc kiểm điểm, rút kinh nghiệm.; Đồn trưởng và chính trị viên nhận hình thức khiển trách về Đảng và chính quyền; Phó đồn trưởng quân sự và Phó Đồn trưởng nghiệp vụ nhận hình thức phê bình trước Đảng ủy Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh; các thành viên của Đội công tác nhận hình thức kỷ luật khiển trách về Đảng và chính quyền.
Đối với Cục Hải quan Lạng Sơn: Phê bình rút kinh nghiệp đối với tập thể, cấp ủy, lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh; kỷ luật với hình thức khiển trách 1 Phó Chi cục trưởng phụ trách công tác chống buôn lậu và Phó Tổ trưởng tổ Kiểm soát Chi cục; hạ mức phân loại công chức năm (mức không hoàn thành nhiệm vụ) đối với Chi cục trưởng và một số cán bộ trong Chi cục.
Ngoài ra Ban Chỉ đạo 389 huyện Văn Lãng cũng đã kiểm điểm trách nhiệm và rút kinh nghiệm đối với Đội QLTT số 9 và Trưởng Ban Chỉ đạo 389 huyện cũng tự kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Qua một số khó khăn trong việc xuất khẩu mặt hàng nông sản gây ách tắc tại cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn trong thời gian trước và sau Tết Nguyên Đán và những kiến nghị của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đề nghị đồng chí Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia có ý kiến chỉ đạo một số Bộ nghiên cứu tháo gỡ những khó khăn, cụ thể như sau:
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu việc mở cửa thị trường cho thêm một số mặt hàng nông sản, trái cây của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc như: quả sầu riêng, chanh leo, quả roi, quả na, thạch đen... Có biện pháp định hướng, khuyến cáo cho bà con nông dân trồng, thu hoạch các loại trái cây đảm bảo đúng các tiêu chuẩn xuất khẩu của các thị trường.
Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo việc thông báo, khuyển cáo đến các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, trái cây của Việt Nam về các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện nhập khẩu của Trung Quốc để các doanh nghiệp chủ động về kế hoạch xuất khẩu nhằm giảm các rủi ro, thiệt hại cho doanh nghiệp và bà con nông dân, đồng thời tránh những ách tắc, ứ đọng hàng hóa tại cửa khẩu gây áp lực lên công tác quản lý của các cơ quan chức năng tại biên giới.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, phố biến các chính sách xuất nhập khẩu của nước ta và của Trung Quốc để người dân, doanh nghiệp chủ động trong việc sản xuất, chế biến xuất khẩu mặt hàng nông sản vào Trung Quốc.
UBND các tỉnh biên giới phía Bắc tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động xuấ khẩu nông sản, có phương án chủ động bố trí đủ lực lượng, phân luống hàng hóa để đảm bảo thông quan hàng hóa nhanh nhất, tránh ách tắc và thiệt hại cho doanh nghiệp. Đồng thời tăng cường lực lượng kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và kiên quyết đấu tranh với hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và các hành vi gây mật trật tự trị an khu vực biên giới.
PV