Từ định hướng của Nghị quyết 54, Thừa Thiên Huế đã hoàn thành xây dựng đề án Quy hoạch tỉnh. Theo đó vóc dáng của Thành phố Huế trực thuộc Trung ương dần được định hình, đó là Thừa Thiên Huế phát triển theo mô hình gắn kết giữa đô thị - nông thôn - thiên nhiên, trong đó đô thị Huế (quận phía Bắc, quận phía Nam) là đô thị hạt nhân và các đô thị: Hương Trà, Hương Thủy, Phong Điền, Chân Mây,… có vai trò hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc Cố đô và các di sản văn hóa vật thể đã được UNESCO công nhận.
Để đạt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, Thừa Thiên Huế đã huy động các nguồn lực, đẩy nhanh đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm, hoàn thiện khung hạ tầng, thu hút đầu tư.
Trong đó ưu tiên tuyến đường bộ ven biển, cầu đường bộ vượt Cửa biển Thuận An; đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương, đê chắn sóng cảng Chân Mây - giai đoạn 2, hạ tầng đô thị thành phố Huế.
Đặc biệt, bên cạnh cầu Trường Hà, Thừa Thiên Huế sẽ tập trung nguồn lực khởi công xây dựng cầu qua phá Tam Giang - Cầu Hai, nối các xã ven biển và trung tâm Thành phố Huế. Với định hướng mô hình đô thị trực thuộc Trung ương “chùm đô thị, đa trung tâm”, vươn ra biển, phát huy vị trí đầu mối trên các tuyến giao lưu quốc tế và liên vùng, Thừa Thiên Huế đã định vị xây dựng vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trở thành vùng du lịch sinh thái có tầm quốc gia và quốc tế. Thừa Thiên Huế phát triển các đô thị ven biển dọc đầm phá Tam Giang - Cầu Hai; hình thành khu du lịch quốc gia Lăng Cô - Bạch Mã - Cảnh Dương, khu du lịch quốc gia trên đầm phá và đầu tư nhà ga đón tàu du lịch biển tại cảng Chân Mây….
Thừa Thiên Huế cũng lên kế hoạch sau khi hoàn thành Nhà ga T2 Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài, kiến nghị Quốc hội và các bộ ngành Trung ương hỗ trợ địa phương đầu tư xây dựng đường lăn song song và các đường lăn nối tại Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài; đầu tư xây dựng đường chuyên dụng để vận chuyển hàng hóa từ nước bạn Lào đến cảng chuyên dụng Điền Lộc qua đường 71 với tổng chiều dài khoảng 54km; đầu tư đê chắn sóng ở cảng Chân Mây; sớm ban hành Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa để có nguồn lực thực hiện việc trùng tu di sản của quốc gia; quan tâm hỗ trợ nguồn lực để xây dựng Bệnh viện Trung ương Huế, trung tâm y tế chuyên sâu; xây dựng Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia…
Tuy nhiên đó là vóc dáng của Huế tương lai, Huế mới - Thành phố Huế trực thuộc Trung ương, còn ở thời điểm này như phát biểu của Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tại Hội nghị bất thường của Tỉnh ủy tháng 3/2024: Thừa Thiên Huế cần đảm bảo các tiêu chuẩn được áp dụng yếu tố đặc thù như thu nhập bình quân đầu người; mức tăng trưởng kinh tế; tăng trưởng tổng sản phẩm, mật độ dân số toàn đô thị; mật độ dân số tính trên diện tích đất xây dựng đô thị khu vực nội thành, nội thị, thị trấn… Những tiêu chuẩn nào chưa khả thi cần phải tập trung đánh giá lại.
Điều đó thể hiện sự quyết tâm cao của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế “dựa vào sức mình là chính” trên cơ sở chính sách đặc thù mà Bộ Chính trị, BCH Trung ương Đảng đã quan tâm hỗ trợ. Tuy nhiên nhìn nhận đúng thì Thừa Thiên Huế đã có những bước phát triển vượt bậc từ khi Nghị quyết 54 ra đời đáng ghi nhận. Như quy mô kinh tế, nếu như năm 2020, quy mô đạt 55.000 tỉ đồng thì năm 2022 đạt 66.400 tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng 8,56% (cả nước 8,02%). So với quy định tại Nghị quyết 26 của UBTVQH, đã đạt được 1,04 lần của quy định.
Nếu tính 3 năm 2021 – 2023, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7,3%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. GRDP bình quân đầu người năm 2023 tăng gần 1,2 lần so với năm 2020. Thu ngân sách tăng bình quân 12,5%/năm; kim ngạch xuất khẩu ước tăng bình quân 13,6%/năm; tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị đạt 100%; tổng vốn đầu tư trên địa bàn tăng bình quân 8,3%/năm. Thừa Thiên Huế, kế hoạch phấn đấu đến năm 2025, GRDP là 3.500 USD, tự cân đối thu chi ngân sách, thu nhập bình quân đầu người đạt 72 triệu đồng/người xấp xỉ bình quân cả nước…
Quyết tâm, hoàn thành mục tiêu trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, như Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương phát biểu tại cuộc gặp Hội đồng hương Huế tại TP Hồ Chí Minh đầu năm Giáp thìn, tháng 3/2024: Năm 2024 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng. Theo đó, phải hoàn thành các chương trình, đề án phục vụ mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế thành phố trực thuộc Trung ương; tăng cường sức chống chịu nền kinh tế; đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và trong nội ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; huy động tối đa các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng chiến lược, đồng bộ... Thừa Thiên Huế tiếp tục xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới sáng tạo, xây dựng chính quyền điện tử, thông minh…
Việc Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương không chỉ là mục tiêu phấn đấu mà còn là vị thế của địa phương, đời sống của nhân dân như Ông Nguyễn Văn Phương- Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trao đổi:
Việc xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương giúp khôi phục lại vị thế đã có của tỉnh nhà, phục hồi lại văn hóa của đô thị xưa và hình thành, xây dựng đô thị hiện nay; tiếp tục thực hiện trọng trách của cả nước trong gìn giữ những bản sắc văn hóa của kinh đô, nhiều giá trị chuẩn mực của những con người đất kinh thành, đó là tinh hoa của nhân loại.
Khi trở thành thành phố trực thuộc trung ương, Thừa Thiên Huế phải đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí của trung ương. Vì thế, sẽ tập trung nỗ lực huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế, thiết chế văn hóa xã hội, thiết chế đô thị, giao thông kết nối, công trình công cộng… giúp người dân được thụ hưởng nhiều thứ tốt đẹp.
Từ định hướng của Bộ Chính trị “xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản”, địa phương có điều kiện gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Huế; xây dựng Huế thành trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu. Thừa Thiên Huế sẽ thuận lợi trong thu hút nhà đầu tư lớn có tiềm lực và các Khu công nghiệp, Khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô,... sẽ được lấp đầy; kinh tế xã hội của địa phương sẽ phát triển và chắc chắn đời sống của người dân Xứ Huế sẽ được cải thiện hơn.
Đó là niềm tin, là khát vọng hoàn toàn có cơ sở. Rõ ràng năm 2024 là năm có ý nghĩa quyết định của Thừa Thiên Huế, từ người dân đến các tổ chức, đoàn thể, chính quyền… phải cùng nỗ lực vì mục tiêu chung. Tất cả vì Huế, vì cuộc sống của người dân, vì sự gắn kết của lịch sử dân tộc khi chọn “Hà Nội- Huế- Sài Gòn” là 03 trung tâm chính trị, văn hóa lớn của cả nước.
Trần Minh Tích