Tại phiên chất vấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa đã có những trả lời về hai nội dung: Thứ nhất là việc ngày 15-9-2016, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 18-8-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện Kế hoạch hành động của UBND tỉnh còn chậm.
Vấn đề thứ hai là tình trạng ô nhiễm tại một số cơ sở sản xuất kinh doanh, khu dân cư, các bãi chôn lấp rác thải chậm được xử lý, hoặc xử lý không dứt điểm. Việc triển khai thực hiện chính sách xử lý rác thải sinh hoạt còn bất cập, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
Các câu hỏi chất vấn đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường làm rõ thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục trong thời gian sắp tới.
Ông Đào Trọng Quy, Giám đốc Sở TNMT tỉnh Thanh Hóa trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Trả lời về nội dung đầu tiên, Giám đốc Sở TNMT Đào Trọng Quy đã cho biết: Ngay sau khi Nghị quyết 05, Kế hoạch 135 được ban hành, các ngành các cấp đã khẩn trương đồng loạt xây dựng và ban hành các chương trình, kế hoạch hành động nhằm cụ thể hóa các mục tiêu.
Sau 3 năm triển khai thực hiện Kế hoạch 135, công tác bảo vệ môi trường của tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những kết quả nhất định như: Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và người dân về vấn đề trên đã ngày càng được nâng lên. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được triển khai sâu rộng đến tận các phường xã, nhân dân đã quan tâm đấu tranh, tố giác các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường được tổ chức một cách chặt chẽ, đúng quy định đang dần trở thành công cụ quản lý có hiệu quả. Nhiều dự án đã, đang được triển khai để góp phần đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
So sánh kết quả đạt được với mục tiêu đề ra đến năm 2020, có 07/22 chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch, 07/22 chỉ tiêu bước đầu đạt kết quả tốt, có triển vọng đạt mục tiêu đặt ra trong năm 2020.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn những nhiệm vụ chưa được triển khai hoặc thực hiện chậm, triển khai chưa đạt hiệu quả cao như: Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường còn chưa thường xuyên liên tục. Việc phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường giữa các cấp, ngành theo Quyết định số 3927/QĐ-UBND ngày 13/11/2014 của UBND tỉnh Thanh Hóa về quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước còn yếu. UBND các cấp huyện, xã chưa chủ động thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo thẩm quyền.
Mặt khác, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường như xây dựng riêng biệt hệ thống thu gom nước mưa chảy tràn bề mặt, nước thải sinh hoạt, hệ thống xử lý nước thải tập trung, khu tập kết trung chuyển tạm chất thải rắn sinh hoạt ở các khu đô thị, KCN, làng nghề còn chậm. Việc xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ tiên tiến chưa thực hiện được. Mà chủ yếu là chôn lấp (90%), còn lại là đốt (10%). Việc đấu mối và mở rộng hợp tác quốc tế, tổ chức tham quan học tập các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực này vẫn chưa được quan tâm…
Về giải pháp thực hiện trong thời gian tới, Sở TNMT Thanh Hóa sẽ có các nhóm giải pháp về tuyên truyền, giáo dục; nhóm giải pháp về tài chính, huy động xã hội hóa; nhóm giải pháp về khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế; nhóm giải pháp kiểm tra, giám sát. Trong đó, đặc biệt đề nghị phía Công an tỉnh Thanh Hóa tăng cường thực hiện các hoạt động nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường để xử lý nghiêm các hành vi xả khí thải, nước thải gây ô nhiễm môi trường.
Về nội dung thứ hai, Giám đốc Sở TNMT Đào Trọng Quy đã trả lời về tình trạng ô nhiễm tại một số cơ sở sản xuất kinh doanh, khu dân cư chậm được xử lý hoặc xử lý không dứt điểm. Việc triển khai thực hiện chính sách xử lý rác thải sinh hoạt còn bất cập ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống.
Tại đây, vị Giám đốc Sở TNMT đã thẳng thắn nêu ra những thực trạng về tình trạng ô nhiễm môi trường ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa được xử lý triệt để. Vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải rắn sinh hoạt đang là vấn đề nóng tại các địa phương.
Sau khi chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, Sở TNMT Thanh Hóa cũng đã đề ra những giải pháp trong thời gian tới. Cụ thể, bên cạnh việc triển khai đồng bộ các giải pháp đã được nêu tại nội dung 1, để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở các cơ sở sản xuất một cách triệt để hơn, tham mưu ban hành các chính sách xử lý rác thải sát với thực tế hơn.
Trước những vấn đề nóng về bảo vệ môi trường cũng như tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Giám đốc Sở TNMT Đào Trọng Quy đã nghiêm túc nhận trách nhiệm của Sở TNMT khi sự phối hợp giữa Sở với các ban ngành của tỉnh, UBND cấp huyện còn chưa được thường xuyên liên tục. Công tác thanh tra kiểm tra giải quyết các vấn đề về môi trường chưa cương quyết, chưa quyết liệt. Đồng thời, lãnh đạo sở TNMT còn chỉ ra một số nguyên nhân khác là từ các UBND cấp huyện còn tâm lý trông chờ vào nguồn vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh, ngân sách Trung ương, nên chưa chủ động bố trí vốn, triển khai việc thực hiện xã hội hóa các dự án đầu tư hạ tầng về môi trường tại các khu dân cư.
Sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Giám đốc Sở TNMT Đào Trọng Quy, chủ tọa kỳ họp là ông Trịnh Văn Chiến- Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa đã nhận xét chung về phần trả lời của vị lãnh đạo sở là tương đối tốt, cơ bản đúng trọng tâm và đã làm rõ được trách nhiệm của các ngành, các cấp. Đặc biệt là tinh thần nhận trách nhiệm của cá nhân Giám đốc Sở và toàn ngành mình.
Ông Trịnh Văn Chiến cũng có ý kiến kết luận về vấn đề, hiện nay tại Thanh Hóa, tất cả các đường lối, chủ trương chính sách để giải quyết vấn đề môi trường là cơ bản đầy đủ. Để thực hiện tốt được nhiệm vụ bảo vệ, khai thác tài nguyên môi trường thì cần có sự nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Nhằm tìm mọi biện pháp hạn chế những vấn đề gây ô nhiễm môi trường ở mức thấp nhất. Trong đó cần đặc biệt hạn chế các loại rác nilong, kim loại thủy tinh, rác thải tại các khu nhà máy nhất là các nhà máy giấy… Nhất là trong tình trạng hiện nay hàng năm có đến 7000 ca mắc mới bệnh ung thư trên địa bàn toàn tỉnh.
Vị chủ tọa kỳ họp cũng hy vọng sau lần chất vấn này, những vấn đề nói trên được quan tâm, chỉ đạo thấu đáo và thực sự có chuyển biến hiệu quả thấy rõ trong thời gian tới.
Hoài Thu- Lê Nam