Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ 8 (Ảnh QH)
Sáng 18/12, tiếp tục chương trình làm việc phiên họp 40, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tổng kết Kỳ họp thứ 8 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội.
Trình bày báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ 8, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sau 28 ngày làm việc, Quốc hội khóa XIV đã kết thúc tốt đẹp với kết quả thông qua 11 luật, bộ luật, 17 nghị quyết và cho ý kiến về 10 dự án luật khác; giám sát 1 chuyên đề, xem xét nhiều báo cáo và tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn; quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, nhân sự và một số vấn đề quan trọng khác.
Tổng Thư ký Quốc hội cũng cho biết, một số nội dung còn hạn chế cần tiếp tục lưu ý rút kinh nghiệm đó là vẫn còn tình trạng nội dung được trình bày, thảo luận công khai tại hội trường, nhưng tài liệu lại đóng dấu “mật”, gây khó khăn, lúng túng trong sử dụng thông tin của đại biểu Quốc hội, cũng như cơ quan thông tấn báo chí…
Thông tin về dự kiến chương trình kỳ họp 9, Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến chương trình kỳ họp này sẽ kéo dài 20,5 ngày.
Trong đó, Quốc hội sẽ dành thời gian cho công tác lập pháp 11 ngày. Cụ thể, Quốc hội xem xét thông qua 10 dự án Luật và 1 dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 với thời gian là 5,75 ngày. Quốc hội cũng dành 5,25 ngày cho ý kiến 7 dự án Luật.
Về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác, Quốc hội dành 9,5 ngày làm việc. Trong đó dự kiến sẽ có 2,5 ngày để tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường.
Dự kiến, kỳ họp 9, Quốc hội khóa XIV sẽ họp trù bị và khai mạc vào ngày 20/5/2020 và bế mạc vào ngày 17/6/2020.
PV