Thị trường chứng khoán trải qua tuần biến động ấn tượng, không chỉ với biên độ tăng giảm điểm lớn mà còn đi cùng tâm lý hứng khởi của nhà đầu tư trong phiên giao dịch hôm thứ tư, ghi nhận sự bùng nổ và lan tỏa của dòng tiền.

Trước đó, trong hai phiên giao dịch đầu tuần, thị trường gần như đi ngang trong tâm lý thận trọng của nhà đầu tư. Tuy nhiên, lực mua bất ngờ tăng mạnh trong phiên giữa tuần khiến thị trường bật tăng mạnh mẽ, giúp chỉ số VN-Index tăng hơn 33 điểm, tương ứng 3%, ghi nhận phiên tăng điểm mạnh thứ hai kể từ đầu năm. Dù vậy, đến hai phiên cuối tuần, áp lực chốt lời ngắn hạn xuất hiên sau nhịp tăng điểm mạnh từ vùng đáy, khiến VN-Index đảo chiều giảm hơn 12 điểm.

Nhờ mức tăng mạnh hồi đầu tuần qua, chỉ số chính của thị trường chứng khoán vẫn ghi nhận mức tăng 25 điểm, lên mức 1.101 điểm, tương ứng tăng 2,3% so với cuối tuần trước đó. Còn chỉ số HNX-Index tăng 4,08%, chỉ số UPCoM-Index tăng 2,2%.

Dòng tiền chảy vào thị trường cũng bất ngờ tăng đáng kể. Giá trị giao dịch bình quân tăng mạnh 27,5% so với tuần trước, đạt 20.306 tỉ đồng.

Sau khi VN-Index tăng mạnh gần 100 điểm từ vùng đáy khiến các nhà phân tích vẫn còn lo ngại về diễn biến trong ngắn hạn, dù cho t rằng các yếu tố tiêu cực nhất có thể
Sau khi VN-Index tăng mạnh gần 100 điểm từ vùng đáy khiến các nhà phân tích vẫn còn lo ngại về diễn biến trong ngắn hạn, dù cho t rằng các yếu tố tiêu cực nhất có thể đã qua. (Ảnh minh họa).

Bên cạnh việc dòng tiền lan tỏa ở nhiều ngành nghề và cổ phiếu, trong tuần qua có một điểm hai xu hướng đáng chú ý. Một là áp lực bán vẫn tiếp tục gia tăng mạnh ở cổ phiếu vốn hóa lớn. Trong tuần qua các cổ phiếu như VCB, MSN hay SAB là kéo chỉ số chung của thị trường đi xuống.

Phía ngược lại là các cổ phiếu thuộc họ Vingroup lại tác động tích cực, trong đó bao gồm VIC hay VHM, và nhiều cổ phiếu ngành khác như thép hay bất động sản. Mặt khác, rất nhiều mã cổ phiếu bất động sản bất ngờ tăng rất mạnh, chẳng hạn như DXS (16%), PDR (14%), NLG (14%).

Điểm đáng chú ý thứ hai là khối ngoại tiếp tục bán ròng dù thị trường có thời điểm tăng điểm mạnh. Tổng cộng, khối ngoại bán ròng 930 tỉ đồng trên cả ba sàn. Tính riêng trên HOSE, giá trị bán ròng đạt 1.217 tỉ đồng, trong đó chủ yếu đến từ nhóm quỹ mở, theo báo cáo của Công ty chứng khoán Mirae Asset.

Nhìn chung, trong tuần qua diễn biến VN-Index bật tăng mạnh trở lại sau những phiên giảm hoặc đi ngang trước đó. Bối cảnh thị trường cũng có nhiều tín hiệu tích cực như thanh khoản được cải thiện, trong đó hầu hết các lĩnh vực đều ghi nhận diễn biến phục hồi tích cực.

“Thị trường vừa trải qua một nhịp phục hồi tương đối mạnh và gắt, do đó, có thể tiếp tục đối mặt với áp lực chốt lời ngắn hạn trong những phiên đầu tuần tới”, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích Công ty chứng khoán VNDirect bình luận.

Theo chuyên gia này, tâm lý nhà đầu tư được cải thiện sau thông tin lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ 10 năm giảm về mức 4,6% giúp áp lực giúp tỷ giá trong nước hạ nhiệt. Tuy nhiên, các phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell hôm thứ sáu cho thấy Fed có thể “tăng lãi suất hơn nữa nếu lạm phát tăng tốc trở lại”, khiến thị trường chứng khoán trên thế giới giảm mạnh và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Trước đó, từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10, cổ phiếu Việt Nam bị bán tháo bởi nhiều thông tin trong và ngoài nước. Giai đoạn này, chỉ số VN-Index giảm tới 16% và mới có dấu hiệu tăng trở lại từ tuần đầu tháng 11, theo báo cáo của Công ty quản lý quỹ VinaCapital.

Lý do bán tháo được cho là sự mất giá của tiền đồng, các vấn đề đặc thù liên quan đến trái phiếu hoán đổi của tập đoàn Vingroup, lệnh bán giải chấp của các công ty chứng khoán, tin đồn kiểm soát một số nguồn cho vay ký quỹ không chính thức. Mặt khác, đánh giá chung về lợi nhuận qúy III không mấy khả quan cũng đã ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư.

Thanh khoản giao dịch trong đợt này cũng giảm hơn một nửa, xuống chỉ còn 500 triệu đô la Mỹ vào cuối tháng 10. Dù vậy, nhóm phân tích của VinaCapital cũng đánh giá việc giảm bán khi thị trường sụt giảm mạnh là dấu hiệu cho thấy thị trường sẽ phục hồi mạnh mẽ một khi các yếu tố gây ra đợt bán tháo giảm bớt.

“Điểm mấu chốt là tất cả các yếu tố tiêu cực nhất lúc này đã hoặc đang giảm bớt và triển vọng hồi phục của thị trường Việt Nam trong những tháng tới được hỗ trợ bởi tăng trưởng lợi nhuận phục hồi, nền kinh tế phục hồi và định giá rẻ của thị trường”, báo cáo của VinaCapital bình luận.

Xét về mặt kỹ thuật, chỉ số VN-Index quay đầu giảm sau những nỗ lực vượt vùng 1.120 điểm không thành công. Áp lực chốt lời tăng mạnh sau đó khiến đà hồi phục của chỉ số không tiếp tục duy trì được sau phiên “bùng nổ” hồi giữa tuần. Theo đó, VN-Index sẽ lại thử thách vùng cản này trong tuần sau, hoặc sẽ tiếp tục điều chỉnh về các vùng hỗ trợ bên dưới, quanh mức 1.085 điểm.

Về xu hướng thị trường trong tuần tới, hầu hết các nhà phân tích đều tỏ ra thận trọng trong xu hướng ngắn hạn, theo đó khuyến nghị các nhà đầu tư chỉ duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải và hạn chế sử dụng đòn bẩy, dù có thể tận dụng những phiên điều chỉnh trong nhịp phục hồi để giao dịch.

Hồng Nhung (t/h)