“Nở rộ” các cuộc thi
Nếu như những năm trước, khán giả chỉ có thể “nhớ mặt đặt tên” một số cuộc thi nhan sắc được tổ chức thường niên và có thâm niên nhiều năm như Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Thế giới người Việt, Hoa hậu Phụ nữ Việt Nam qua ảnh…; thì nay có đến hàng chục cuộc thi được tổ chức với quy mô toàn quốc như Hoa hậu biển Việt Nam, Hoa hậu Đại dương Việt Nam, Hoa khôi Áo dài, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam…
Đó là chưa kể các cuộc thi mang tính chất vùng, miền, địa phương, của một số ngành đặc thù như Nữ hoàng trang sức, Hoa khôi đồng bằng sông Cửu Long…
Bên cạnh đó, hàng loạt cuộc thi mang tên rất “kêu”, nhưng thực chất lại như một show tạp kỹ, người thắng cuộc thậm chí có nhan sắc “ngỡ ngàng” - vẫn được tổ chức tại rất nhiều nơi, thậm chí bị xử phạt khi chưa được cấp phép vẫn được báo chí nêu tên… khiến khán giả như “lạc” vào ma trận của các cuộc thi sắc đẹp.
Có rất nhiều người đẹp đoạt giải, nhưng chẳng ai biết tới cuộc thi mà vẫn xưng danh Hoa hậu, Hoa khôi… khiến nhiều người “lắc đầu” ngán ngẩm bởi không hiểu danh hiệu “trên trời” đó từ đâu mà có.
Ảnh minh họa
Trong khi các cuộc thi ngày một nở rộ như “nấm mọc sau mưa”, có rất ít cuộc thi tạo được tiếng vang và dấu ấn, người đạt giải được đề cử đại diện cho Việt Nam chinh chiến tại các cuộc thi nhan sắc danh giá của thế giới; thì vẫn tồn tại một thực trạng đáng buồn đó là việc danh hiệu được “mua bán”, thậm chí rất nhiều người cho rằng danh hiệu là một cơ hội đổi đời, thậm chí là cơ hội kiếm tiền để nhận show, tham dự sự kiện mà không đóng góp bất cứ hoạt động nào cho cộng đồng và xã hội.
Thậm chí, có những cuộc thi hoa hậu được tổ chức 1 lần rồi “lặn mất tăm” hay nhiều cuộc thi đã vắng bóng nhiều năm và chưa biết đến bao giờ mới tiếp tục tổ chức. Chẳng hạn, Hoa hậu miền biển Việt Nam 2007, Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2008… được tổ chức 1 lần duy nhất, đến nay Hoa hậu vẫn chưa thể tìm ra người kế vị. Hay như cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam, Hoa khôi thể thao… chưa tổ chức thêm lần nào dù người đương nhiệm giữ danh hiệu đã rất nhiều năm.
Tại Nghị định số 79/2012/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu” nêu rõ, mỗi năm chỉ được tổ chức không quá 2 cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia. Chính vì thế, có rất nhiều cuộc thi đã “xé rào” bằng cách đổi tên với tên gọi: Hoa khôi, Nữ hoàng, Hoa hậu người Việt toàn cầu… để “lách luật”.
Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Giám đốc Elite Việt Nam, đơn vị tổ chức Hoa khôi Áo dài – Đường đến vương miện Hoa hậu Thế giới, cũng như nắm giữ bản quyền cử thí sinh tham dự hàng loạt cuộc thi nhan sắc thế giới từng nhận định: “Tiếng Việt quá phong phú nên dẫn đến cuộc thi sắc đẹp đều có tên “hoa hậu”, “hoa khôi”, “nữ hoàng”, còn tiếng Anh thì đều là “Miss” cả thôi. Gọi là hoa khôi như cuộc thi Hoa khôi Áo dài chẳng hạn, nhưng quy mô vẫn toàn quốc, cũng tuyển sinh mấy vòng thì khác gì một cuộc thi hoa hậu?”.
Theo bà Thúy Nga, bà ủng hộ việc sửa đổi lại Nghị định 79 để tránh tình trạng các doanh nghiệp “lách luật” như hiện nay. Để các đơn vị có khả năng tài chính, cũng như thực lực được đường hoàng lấy tên hoa hậu cho các cuộc thi nhan sắc.
Đã đến lúc phải “xắn tay”
Mới đây, tại Đà Nẵng, hội thảo bàn về thực trạng các cuộc thi người đẹp, người mẫu do Bộ VH-TT&DL tổ chức, đã được lãnh đạo Bộ cùng nhiều chuyên gia mổ xẻ.
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên nhận định: “Nhu cầu tổ chức, thưởng thức các cuộc thi sắc đẹp là tất yếu theo sự phát triển. Nhiệm vụ đặt ra là phải rà soát, thắt chặt để hạn chế những bất cập…”.
Ông Biên bày tỏ, có những DN không đủ điều kiện tổ chức vẫn diễn “chui”, thậm chí có dấu hiệu trục lợi, cuộc thi người đẹp, người mẫu tổ chức không phải để tôn vinh cái đẹp, mà có tình trạng thương mại hóa khiến dư luận bức xúc.
Nhiều chuyên gia cho biết, có quá nhiều cuộc thi nhan sắc na ná tên nhau, gây ảnh hưởng không nhỏ tới những đơn vị tổ chức uy tín, chuyên nghiệp, thậm chí bị mang tiếng “oan”.
Ông Lê Minh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng, có rất nhiều cuộc thi được tổ chức dễ dãi, người đoạt giải không có đóng góp cho cộng đồng.
Theo ông Tuấn, để đưa các cuộc thi sắc đẹp, người mẫu đi vào khuôn khổ, các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương tới địa phương, cần phải kiểm soát chặt chẽ các cuộc thi hơn, đơn vị nào “lèm nhèm” thì kiên quyết loại bỏ, thậm chí là cấm tổ chức trong một thời gian.
Lắng nghe ý kiến từ các DN, chuyên gia, lãnh đạo Bộ VH-TT&DL sẽ tiếp thu ý kiến, đồng thời sẽ trình Chính phủ sửa lại Nghị định 79 theo hướng hiệu quả, chặt chẽ hơn.
Quang Nam