Bước sang tháng Bảy, hàng loạt ngân hàng thương mại đã bắt đầu tăng mạnh lãi suất huy động, trong khi một số “ông lớn” ngân hàng thuộc nhóm Big 4 cũng rục rịch thay đổi biểu lãi suất mới theo hướng tăng thêm 0,1 điểm % với các khoản tiền gửi trên 12 tháng.

Số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy, đến thời điểm 20/06, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đã đạt 8,51%, cao hơn nhiều so với con số cùng kỳ năm trước là 5,47%. Tuy nhiên, tới cùng thời điểm trên, huy động vốn của các tổ chức tín dụng mới chỉ tăng 3,97%, chưa bằng một nửa so với tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Theo các chuyên gia, lãi suất huy động sẽ chịu áp lực tăng trong năm nay khi tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn phục hồi kinh tế trong khi các ngân hàng phải cạnh tranh gay gắt với các kênh đầu tư hấp dẫn như bất động sản và chứng khoán. Ngoài ra, áp lực lạm phát tiếp tục hiện hữu trong các tháng tiếp theo cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng gây áp lực lên lãi suất tiền gửi.

Trong một báo cáo hồi tháng Sáu, Công ty Chứng khoán Mirae Asset đánh giá, CPI của Việt Nam sẽ tăng dần và lợi suất trái phiếu cũng như lãi suất ngân hàng sẽ tăng dần lên. Trong bối cảnh đó, Mirae Asset cho rằng khi lạm phát và lãi suất tăng, cổ phiếu của doanh nghiệp có nhiều tiền mặt sẽ được hưởng lợi.

Việc lãi suất rục rịch tăng là một tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp ngành bảo hiểm khi nguồn thu nhập chính của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đến từ việc đầu tư trái phiếu và gửi ngân hàng lấy lãi, ngoài ra cũng có đầu tư cổ phiếu, bất động sản hay góp vốn vào công ty liên kết... nhưng tỷ trọng không lớn.

Trong báo cáo chiến lược 06 tháng cuối năm vừa công bố, Công ty chứng khoán VNDirect đánh giá, trong giai đoạn bệnh dịch vừa qua, lợi suất của hai kênh tiền gửi và trái phiếu (chiếm khoảng 90% danh mục đầu tư của các công ty bảo hiểm đã giảm mạnh. Tuy nhiên, VNDirect tin rằng lãi suất đã tạo đáy và đang tăng dần trở lại khi thế giới và Việt Nam phục hồi mạnh mẽ sau bệnh dịch, kéo theo nhu cầu tín dụng và lạm phát tăng cao.

Dựa vào dữ liệu năm 2021, VNDirect ước tính là nếu lãi suất tăng 10 điểm cơ bản thì lợi nhuận của các công ty bảo hiểm thuần phi nhân thọ như Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (mã PVI), Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (mã MIG), Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (mã BMI) sẽ tăng khoảng 1% và lợi nhuận của Tập đoàn Bảo Việt (BVH) sẽ tăng 5% (80% lợi nhuận của BVH từ nhân thọ/20% từ phi nhân thọ).

Theo VNDirect, dù cho việc lãi suất thấp đã gây ảnh hưởng xấu đến hiệu quả đầu tư của các công ty bảo hiểm, thị trường cổ phiếu với mức tăng trưởng nhảy vọt trong năm 2021 đã giúp các công ty này duy trì được lợi suất đầu tư ổn định trong giai đoạn bệnh dịch vừa qua.

Bước sang năm 2022, chỉ số VN-Index hiện đã giảm 21% từ đầu năm. Sự sụt giảm mạnh này rõ ràng sẽ có ảnh hưởng không tốt lên các khoản đầu tư cổ phiếu của các công ty bảo hiểm. Tuy nhiên, VNDirect tiếp tục duy trì quan điểm tích cực đối với thị trường cổ phiếu Việt Nam từ nay cho đến hết năm 2022. Cộng với lợi ích từ xu hướng lãi suất tăng (mặc dù ở tốc độ tương đối chậm), công ty chứng khoán này tin rằng các công ty bảo hiểm sẽ tiếp tục đạt được lợi suất ổn định trong năm nay.

Bên cạnh doanh nghiệp bảo hiểm, các doanh nghiệp sở hữu lượng tiền ròng lớn (tiền mặt sau khi trừ các khoản nợ vay ngắn hạn và dài hạn) cũng được dự báo sẽ hưởng lợi khi lãi suất tăng lên.

P.T