Xét theo nhóm ngân hàng, nhóm NHTMCP Nhà nước (nhóm SOBs) vẫn giữ được mức lãi suất thấp từ cuối quý I cho đến hết năm, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của nhóm ngân hàng này giảm khoảng 0,25 điểm % so với đầu năm 2023.
Trong khi đó, việc cạnh tranh lãi suất cũng phân hoá ở các nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân, chẳng hạn lãi suất huy động bình quân của nhóm ngân hàng nhỏ (nhóm 3 - ABBank, Nam A Bank, PGBank, VietBank, Bac A Bank, BaoViet Bank, Kienlong Bank, SaiGon Bank, VietA Bank) tăng khoảng 0,3 điểm % so với đầu năm, nhóm ngân hàng cổ phần tầm trung (Nhóm 2 - LPBank, Eximbank, MSB, HDBank, TPBank, VIB, SeaBank, OCB) tăng 0,1 điểm % và nhóm ngân hàng cổ phần lớn (Nhóm 1 - MB, Techcombank, Sacombank, ACB, VPBank, SHB) tăng 0,2 điểm %. Nhóm ngân hàng 0 đồng và thuộc diện kiểm soát đặc biệt (Nhóm 4) cũng có lãi suất huy động tăng bình quân khoảng 0,15 điểm % so với đầu năm.
Mặt khác, huy động vốn và cung tiền tăng chậm hơn 3 năm liền trước, đặc biệt là trong nửa đầu năm nay. Tính đến cuối tháng 9/2024, tốc độ tăng cung tiền đã tiệm cận năm 2023, trong khi đó, tăng trưởng huy động vốn vẫn chậm hơn so với năm trước. Cụ thể, tăng trưởng cung tiền và huy động vốn đạt lần lượt 5,9% và 4,9% so với đầu năm. Trong khi đó, tăng trưởng cung tiền tính đến cuối tháng 9/2024 là 12,8% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng của tín dụng là 16,1%.
Cũng theo VDSC, tăng trưởng tín dụng các tháng đầu năm 2024 yếu hơn hẳn 3 năm trước nhưng nhu cầu tín dụng bắt đầu tăng mạnh từ tháng 5/2024. Xu hướng tăng trưởng tín dụng cũng tương đồng với năm trước khi tăng mạnh vào tháng cuối của mỗi quý. Tính đến 30/11/2024, tăng trưởng tín dụng đạt 11,9% so với đầu năm, cao hơn mức tăng 9,3% của cùng kỳ năm 2023. Trong thông báo mới nhất, tín dụng nền kinh tế đến 7/12 đạt khoảng 12,5%.
“Nếu giữ được xu hướng tăng tương tự tháng 12 của các năm trước, tín dụng cả năm 2024 ước tăng khoảng 16%”, VDSC dự báo.
Thu Trang (t/h)