Chỉ trong vòng hơn 3 tháng, kẻ xấu đã khoan lỗ đổ thuốc diệt cỏ 210 cây thông 3 lá từ 29 - 31 năm tuổi tại khu vực thị trấn Nam Ban (huyện Lâm Hà), trong đó 170 cây được xác định không thể cứu chữa, phục hồi lại. Và đây không phải là vụ việc lần đầu tiên các đối tượng manh động, phá hủy rừng bằng cách đổ thuốc diệt cỏ tại đây.

Lâm Đồng: Truy tìm thủ phạm đầu độc 170 cây thông - Hình 1

170 cây thông 3 lá gần 30 tuổi chết đứng giữa rừng

Cơ quan chức năng bất lực?

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Đài - Đội trưởng Đội bảo vệ rừng chuyên trách số 4 - Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Ban thông tin, từ cuối tháng 7 tới đầu tháng 9/2017, lợi dụng đêm tối kèm mưa lớn các đối tượng xấu đã khoan gốc thông đổ thuốc diệt cỏ làm 170 cây thông 3 lá chết khô, không thể phục hồi tại 2 địa điểm thuộc địa bàn đơn vị quản lý.

Đầu tiên là vụ phát hiện 160 cây thông 3 lá (trồng năm 1988) trên diện tích khoảng 3.000 m2 thuộc lô B1, khoảnh 4, tiểu khu 270 (thuộc khu phố Chi Lăng 1, thị trấn Nam Ban) chết héo vào những ngày đầu tháng 7.

“Ban đầu, chúng tôi phát hiện chỉ vài cây héo lá từ giữa tháng 6. Tuy nhiên, đầu tháng 7, đột ngột hàng loạt cây héo lá hàng loạt. Sau khi kiểm tra kỹ càng, anh em ghi nhận có tới 150 cây thông bị khoan cách gốc 30 - 40 cm, có cây khi tới gần mùi thuốc diệt cỏ vẫn còn nồng nặc.

Ngay lập tức, chúng tôi báo cáo nhanh lên Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Ban, Hạt Kiểm lâm huyện, các đơn vị liên quan, đồng thời tiến hành đổ nhớt và dầu diezen (có tác dụng giải thuốc diệt cỏ các đối tượng đổ vào cây thông) để giải cứu, nhưng do các đối tượng khoan lỗ lớn, lượng thuốc diệt cỏ nhiều và thời gian phát hiện quá 2 ngày nên chúng tôi không thể cứu kịp” - ông Đài cho biết.

Lâm Đồng: Truy tìm thủ phạm đầu độc 170 cây thông - Hình 2

Cây thông bị đầu độc bằng thuốc cỏ khi lá úa vàng thì không thể cứu được nữa

Mới đây nhất, vào ngày 7/9/2017, các đối tượng tiếp tục dùng thủ đoạn tinh vi khoan lỗ gần gốc thông, sau đó đổ thuốc diệt cỏ 50 cây thông ba lá, thuộc khoảnh 2, lô B, tiểu khu 263B (thị trấn Nam Ban). Tuy nhiên, may mắn lần này do phát hiện sớm nên cơ quan chức năng đã cứu được 40 cây thông, 10 cây còn lại do phát hiện chậm hơn nên không thể phục hồi.

Theo biên bản ghi nhận hiện trường của Đội bảo vệ rừng chuyên trách số 4 gửi Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Hà, toàn bộ 50 cây thông thuộc khoảnh 2, lô B, tiểu khu 263B nêu trên được trồng năm 1986, đường kính khoảng 25 - 30 cm trên diện tích khoảng 1.000 m2. Mỗi gốc thông đều bị khoan từ 2 - 3 lỗ (mỗi lỗ to bằng ngón tay trỏ) rồi đổ thuốc diệt cỏ vào khiến cây thông bị ngấm độc.

Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Ban cho hay, thông rừng thường bị các đối tượng đổ thuốc diệt cỏ với số lượng lớn, lỗ khoan sâu vào vị trí giữa lõi thông và “đầu độc” thông trong nhiều đợt nên việc phát hiện, cứu chữa gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, các đối tượng thường lợi dụng đêm khuya, lức trời mưa to khi không có lực lượng bảo vệ rừng canh giữ, tuần tra để thực hiện nên việc bắt quả tang các đối tượng đặc biệt khó khăn.

Đầu độc thông để chiếm đất

Theo nhận định ban đầu của cơ quan chức năng, có khả năng các đối tượng hủy diệt rừng thông để lấn chiếm đất. Hai cánh rừng thông bị đầu độc nói trên đều nằm ven đường, gần khu dân cư. Theo quan sát tại hiện trường, toàn bộ 170 cây thông bị chết tại hai tiểu khu 170 và 263B tại thị trấn Nam Ban đều nằm giáp đường dân sinh và trên trục đường lớn (tỉnh lộ 725).

Lâm Đồng: Truy tìm thủ phạm đầu độc 170 cây thông - Hình 3

Chết đứng vì bị đầu độc

Ông Đài nhận định thêm, do số thông trên bị phá hủy giáp đường đi nên theo nhận định ban đầu, nhiều khả năng các đối tượng phá hoại thông nhằm mục đích lấn chiếm đất rừng. Lý do “ken thông” chết để lấy gỗ gần như không xảy ra vì việc vận chuyển sẽ rất dễ bị cơ quan chức năng phát hiện. 

Các cán bộ kiểm lâm cho hay, khoan lỗ đổ thuốc thuốc diệt cỏ là một trong những thủ đoạn đầu độc cây thông phổ biến ở Lâm Đồng. Khi bị đầu độc, cây sẽ chết dần sau khoảng 3 tuần. Trong tuần đầu tiên, cây bị đầu độc vẫn xanh lá, không có biểu hiện lạ nên khó phát hiện và giải độc cho cây. Đến khi lá úa vàng thì không thể cứu được nữa.

UBND huyện Lâm Hà đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp điều tra sớm tìm ra thủ phạm các vụ đầu độc rừng thông này; đồng thời tăng cường công tác tuần tra, kiên quyết xử lý các trường hợp phá rừng.

Cao Diên – Hải Dương