Những “chồi non” mọc lệch
Mấy năm trước, tôi có dịp đến trường giáo dưỡng số 2 (Ninh Bình) để tìm hiểu về hoàn cảnh của những học sinh đang học tập tại ngôi trường “đặc biệt” này. Cánh cửa vào ngôi trường này của mỗi em một khác. Có trường hợp đặc biệt được đích thân cha mẹ đưa đến “gửi” khi họ đã hoàn toàn bất lực.
Tuy nhiên, hầu hết các em bước vào ngôi trường này đều là các em có những hành vi sai trái, lệch chuẩn, thiếu hiểu biết, vi phạm pháp luật. Và, cũng chiếm đa số trong đó là các em có hoàn cảnh gia đình “sứt sẹo” hoặc có tuổi thơ vô cùng “dữ dội”.
Trong rất nhiều các em tôi có dịp tiếp xúc, trò chuyện tại trường giáo dưỡng số 2 lại thì tôi ấn tượng nhất là cô bé Lê Thị Hoa. Hoa có hoàn cảnh gia đình rất bi đát, dù phạm tội phải đưa vào trường giáo dưỡng nhưng ai cũng phải công nhận cô bé rất thông minh, sắc sảo.
Từ cách ăn nói đến từng việc làm cụ thể, Hoa luôn tỏ ra là đàn chị so với các bạn nữ trong trường. Trước lúc vào trường, mặc dù còn ít tuổi nhưng “chuyện đời” Hoa có thể kể vanh vách. Khi chưa gặp, tôi cứ nghĩ Hoa là một cô bé nanh nọc, khó gần. Thế nhưng, khi gặp rồi thì lại thấy Hoa dễ mến, thân thiện như bao đứa trẻ tuổi 13, 14 khác.
Quê Hoa ở Thanh Hà, Hải Dương, bố làm nghề chài lưới còn mẹ Hoa em cũng không biết. Hoa chia sẻ: “ Em chỉ nhớ lúc em lên ba tuổi bố mẹ đã ly dị nhau, cùng với con thuyền đánh cá bố đã đưa em cùng với người anh trai lên bãi nổi sông Hồng “neo” thuyền mưu sinh. Lên đất Hà Nội không được bao lâu anh trai em bỏ đi biệt tăm và từ đó đến nay chẳng một dòng tin tức”.
Bố lấy vợ hai, một người cùng nghề chài lưới. Tuy nhiên trong một lần tranh giành điểm đánh cá với một thuyền cá khác, bố Hoa đánh người gây thương tích rồi phải vào tù, Hoa ở với mẹ hai.
Không còn ai chăm sóc, đến miếng cơm cũng không có để ăn. Hoàn cảnh khốn khó buộc em phải bỏ học khi mới biết đọc ê a con chữ. Khoảng 9-10 tuổi, Hoa đã gia nhập với những đứa trẻ cùng cảnh ngộ bỏ nhà đi hoang.
Ngày đi ăn cắp, tối về ngủ gầm cầu, chợ Long Biên là điểm hoạt động thường xuyên của lũ trẻ. Hoa và một số bạn cũng đã từng bị công an bắt 5-7 lần nhưng vì tuổi quá nhỏ, giá trị những thứ các em trộm cắp lại bé nên các em lại được tha.
Nhóm của Hoa bắt đầu trộm cắp nhiều hơn từ khi những thành viên trong nhóm bắt đầu “nhiễm” trò chơi điện tử. Tiền ăn cắp được bao nhiêu cả nhóm chia nhau “nướng” sạch vào các quán net.
Lúc nào “vỡ bẫm” cả nhóm ăn ngủ luôn ở quán hai ba ngày liền chỉ để chơi. Đến lúc hết tiền lại ra chợ Long Biên hành động. Hoa kể: “Em nghiện đến mức nhịn cả cơm chỉ uống mỗi nước lọc để chơi”. Nhu cầu chơi ngày một lớn, nhóm của Hoa ăn cắp cũng liều lĩnh hơn, công khai hơn. Đó cũng là lý do em và các bạn đã bị công an tóm gọn sau đó. Với nhiều lần phạm tội, nhóm của Hoa đã phải vào trường giáo dưỡng.
Tại ngôi trường này còn có trường hợp “đặc biệt” là 2 anh em ruột cùng phải vào để “giáo dưỡng” với hành vi giống nhau là trộm cắp. Đó là Trần Xuân Minh và Trần Thị Gá. Quê anh em Minh ở Cao Lộc, Lạng Sơn. Nhà chỉ có hai anh em, bố mất sớm, mẹ đã ba lần tù tội vì buôn bạc giả.
Không có người chăm sóc giáo dục, Minh học đến lớp ba thì bỏ dở, còn cô em gái Gá thì chỉ học xong lớp 1 là giã từ mái trường. Những ngày tháng tự do lêu lổng cùng đám bạn đã đưa các em đến với những trò chơi điện tử. Chơi nhiều thành nghiện. Để có tiền chơi hai anh em rủ nhau đi ăn cắp và sau cùng là các em phải vào trường giáo dưỡng.
Gia đình là điểm tựa của con trẻ
Khi nói về vai trò của gia đình trong việc giáo dục con cái, một chuyên gia về lĩnh vực này đã nói rằng: “Yếu tố gia đình trong giai đoạn ở độ tuổi phát triển thật sự đóng vai trò quan trọng, chúng ta khó mà đòi hỏi xã hội sẽ giáo dục con người có một nhận thức tốt trong khi vai trò gắn kết, dạy dỗ của người thân lại bỏ qua.
Khi con trẻ không tìm thấy những ý nghĩa của tình cảm gia đình, những thú vị trong đời sống tình cảm với người thân thì chúng rất dễ lao ra bên ngoài tìm kiếm những thứ mới mẻ hấp dẫn hơn.
Nhưng chúng lại không đủ kỹ năng, nhận thức để nhận định, phân biệt đúng sai, cái nào cần tìm và cái nào cần giữ để giới hạn sự tò mò đến mức phóng khoáng của mình. Gia đình, hơn hết vừa phải đóng vai trò vừa là điểm tựa, vừa là điểm dừng vững chắc cho các bạn trẻ”.
Con người sinh ra, bản thân chưa hình thành tính cách rõ rệt. Song, môi trường đầu tiên mà mỗi đứa trẻ tiếp xúc chính là gia đình. Đây sẽ là những ảnh hưởng đầu tiên, quan trọng nhất đến việc hình thành tính cách, nhân cách và định hướng sống của mỗi người. Bởi vậy, cách giáo dục và môi trường sống trong mỗi gia đình đóng vai trò quyết định, ảnh hưởng đến việc đứa trẻ lớn lên như thế nào.
Vì vậy, môi trường sống trong gia đình có tác động sâu sắc tới quá trình phát triển nhân cách của trẻ em. Vai trò của gia đình trong việc quản lý, giáo dục trẻ em, đặc biệt là vai trò của cha mẹ là cực kỳ quan trọng.
Thực tiễn cho thấy, nhiều gia đình thiếu trách nhiệm trong việc giáo dục, quản lý con cái - cho rằng con còn đi học ở trường, nhưng thực tế đã bỏ học hàng tháng và có hành vi phạm tội mà gia đình không hề hay biết. Một thống kê rất bất ngờ là có đến 54,2% các em sử dụng ma tuý mà gia đình không hay biết, chỉ khi bị công an bắt quả tang hoặc hàng xóm, bạn bè mách bảo thì mới biết con mình đã bị nghiện.
Theo điều tra của Bộ Công an, chỉ có 29,6% các gia đình có ý thức trách nhiệm trong việc quản lý giáo dục con em, còn đến 70,4% là chưa có ý thức trong quản lý giáo dục con em mình. Sự thiếu quan tâm đến con cái thường rơi vào các gia đình bố mẹ đi làm ăn, công tác xa, không có điều kiện ở gần nhà để chăm sóc con hàng ngày; bố mẹ ốm đau bệnh tật; bố mẹ do mải làm ăn kinh tế, không quan tâm đến việc học hành, sinh hoạt của con cái.
Ngoài ra, cha mẹ cũng phải đảm bảo được đời sống kinh tế gia đình để trẻ em có được những điều kiện sống tối thiểu như: ăn ở, mặc, sinh hoạt, học hành: Sự chênh lệch giữa giàu nghèo trong xã hội đã ảnh hưởng đến cách cư xử của người chưa thành niên trong các gia đình nghèo, cộng với sự thiếu điều kiện sống tối thiểu đã đẩy các em vào con đường phạm tội và mắc tệ nạn xã hội.
Muốn con em mình không hư hỏng, trước tiên cha mẹ phải làm gương tốt cho con trong lối sống, cách ứng xử. Một khi gia đình hoà thuận sẽ tạo cho con em họ ổn định về mặt tâm lý, hình thành nhân cách tốt. Cha mẹ cũng cần quan tâm đến đời tư của con em mình, định hướng cho các em các mối quan hệ để các em có thể lường trước được mọi vấn đề, nhất là đối với các em đang tuổi vị thành niên.
Như vậy, sự chăm sóc chu đáo của gia đình đối với việc giáo dục con cái, việc tạo dựng môi trường gia đình trong sạch để thanh thiếu niên phát triển đầy đủ về nhân cách là trách nhiệm vô cùng quan trọng. Giáo dục con cái luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu của cha mẹ. Để nuôi dạy con cái thành công, các bậc phụ huynh phải chọn được cho mình những cách giáo dục con đúng đắn và sáng suốt.
PV