Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính phân tích: Từ năm 2022 trở lại đây, thị trường vàng trong nước bộc lộ sự hạn chế, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng quốc tế thường xuyên ở mức cao. Đặc biệt từ tháng 8/2023 đến nay, giá vàng quốc tế liên tục tăng mạnh, cuối năm 2023 giá vàng tăng tới mức 2.000 USD/ounce. Bước sang năm 2024, giá vàng thế giới đã tạo “sóng mới”, liên tục lập đỉnh mới chốt phiên cao kỷ lục 2.413,8 USD/ounce vào ngày 19/4.
Tại thị trường trong nước, giá vàng SJC đã có lúc đạt đỉnh vào 10/5/2024 ở mức 92,4 triệu đồng. Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử của thị trường vàng Việt Nam. Từ đầu tháng 12/2023 đến nay, giá vàng trong nước diễn biến tăng bất thường. Biến động tăng giá vàng xảy ra có những thời điểm liên tiếp nhau. Thậm chí, có những ngày giá vàng leo dốc một cách thẳng đứng, biên độ thay đổi giá rất lớn qua mỗi lần tăng. Có thời điểm tăng 2 triệu, rồi giảm sốc 3 triệu/lượng; Giá mua - giá bán cách nhau 3-4 triệu đồng/lượng, trong ngày mức giá thay đổi đến 20 lần.
Trong “cơn sốt” của thị trường vàng những ngày đầu tháng 3/2024, khoảng cách giữa giá trong nước và thế giới có lúc lên gần 18 triệu đồng/lượng. Chênh lệch so với giá thế giới có thời điểm lên đến hơn 20 triệu đồng/lương. Bất chấp giá vàng lên cao nhất lịch sử, ở Hà Nội và TP. HCM xảy ra cảnh nhiều người đội nắng, xếp hàng chen chúc chờ mua vàng.
Lý giải lý do khiến thị trường vàng bất ổn, giá vàng diễn biến tăng bất thường, PGS. TS. Ngô Trí Long cho rằng, một trong những nguyên nhân chính là do mất cân đối cung – cầu, khi sức cầu tăng, nguồn cung hạn chế đẩy giá vàng lên cao.
“Thị trường vàng Việt Nam thiếu nơi giao dịch tập trung, thay vào đó rất nhiều cửa hàng và nhà kinh doanh vàng quy mô nhỏ hoạt động độc lập. Sự phân mảnh này tạo ra sự ko minh bạch về giá và tạo điều kiện cho khả năng thao túng giá, tạo mảnh đất đầu cơ. Ngoài ra, tin đồn, sự thao túng thị trường của một số người chơi nhất định và tâm lý đám đông, phong trào có thể khuếch đại biến động giá, dẫn đến bong bóng và dễ xảy ra các vụ sụp đổ sau đó”, ông Long chỉ rõ.
Để góp phần giải quyết bất cập của thị trường vàng, PGS. TS. Ngô Trí Long kiến nghị, giải pháp cấp bách, tình thế trong ngắn hạn, cơ quan chức năng nên nhập khẩu vàng chính ngạch để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn cung. Ngân hàng Nhà nước chỉ nhập khẩu một lượng vàng đủ để ổn định thị trường khi cán cân thanh toán thặng dư tương đối tốt và áp lực tỷ giá được giảm bớt.
Để giải quyết bất cập thị trường vàng, PGS. TS. Ngô Trí Long kiến nghị cơ quan chức năng cần khẩn trương sửa đổi Nghị định số 24 về kinh doanh vàng. Cơ quan chức năng trả lại sản xuất, kinh doanh vàng miếng cho doanh nghiệp. Tạo lập một hệ thống phân phối trên thị trường cho phép người dân ở mọi vùng miền đều được hưởng lợi, có điều kiện giao dịch thuận lợi. Tạo sân chơi bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, phục vụ đông đảo nhân dân từ thành thị đến nông thôn. Ngân hàng thương mại không đóng vai trò đầu mối kinh doanh vàng miếng.
Theo ông Long, chống vàng hóa không thể bằng giải pháp hành chính mà là phải chuyển hướng từ giao dịch vàng miếng sang giao dịch sản phẩm khác của vàng (chứng chỉ vàng, công cụ phái sinh) trên một trung tâm giao dịch tập trung.
PGS.TS. Võ Thị Vân Khánh, Khoa Quản trị Kinh doanh, Học viện Tài chính cũng cho rằng, việc giá chênh lệch quá cao giữa giá vàng trong nước và thế giới, cũng như giữa vàng SJC với các vàng thương hiệu khác cho thấy sự tắc nghẽn trong liên thông thị trường trong nước và quốc tế, cũng như sự thiếu minh bạch, cạnh tranh bình đẳng giữa các thương hiệu vàng trong nước.
PGS.TS. Võ Thị Vân Khánh kiến nghị, cơ quan chức năng khẩn trương thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng.
“Cần quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng miếng, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh vàng miếng, nhất là các hành vi vi phạm pháp luật, buôn lậu, thẩm lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá, cạnh tranh không đúng quy định...”, PGS.TS. Võ Thị Vân Khánh nêu ý kiến.
Tiến sỹ Hà Thị Đoan Trang, Khoa Tài chính công, Học viện Tài chính cho rằng, tuy có một số lý do để vàng tăng giá nhưng cũng có nhiều yếu tố hỗ trợ cho việc giảm giá. Thực tế cho thấy, giá vàng đã tăng cao ở mức kỷ lục mọi thời đại và đã có xu hướng giảm trong vòng hơn 1 tháng qua. Khả năng cao trong những tháng cuối năm 2024, giá vàng sẽ bình ổn và dao động ở mức giá hiện tại ở cả thị trường trong nước và quốc tế.
“Để có được một thị trường ổn định trong dài hạn, cần phải xây dựng một thị trường vàng mang tính chuyên nghiệp theo các chuẩn mực quốc tế. Cần xem xét sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP15 cho phù hợp với tình hình thực tế và xu hướng hội nhập quốc tế”, Tiến sỹ Hà Thị Đoan Trang nhấn mạnh.
X.Hải (t/h)