THCL Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm đến Tết cổ truyền của dân tộc, đã có nhiều chỉ dẫn rất sâu sắc về vui Tết, ăn Tết, chơi Tết. Trong đó, Người đặc biệt quan tâm giáo dục, nhắc nhở các cơ quan, đơn vị, địa phương, các cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân phải chú ý thực hành "Tết vui tươi, tiết kiệm".
Theo Bác Hồ, Tết đến là mọi người, mọi nhà phải vui tươi, phấn khởi. Nhân Tết cổ truyền, mọi người nghỉ ngơi, vui chơi vài ba ngày để đón chào Xuân mới, đó là việc đáng làm. Song, Người còn luôn nhấn mạnh rằng, vui tươi phải gắn liền với tiết kiệm. Theo Người, tiết kiệm là "Không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi", "Tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại, tiết kiệm cốt để giúp vào tăng gia sản xuất, mà gia tăng sản xuất là để dần dần nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân". Người còn chỉ rõ nội dung tiết kiệm cụ thể là: tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thời gian và tiết kiệm tiền bạc. Người luôn nhắc nhở cán bộ phải tiết kiệm tiền bạc của Nhà nước, của nhân dân và của chính mình.
Nhân dịp Tết Canh Tý (1960), Người đã viết bài trên báo Nhân dân, phân tích cho cán bộ và nhân dân thấy rõ ý nghĩa của việc đón Tết vui tươi, tiết kiệm: "Chúng ta nên mừng Xuân một cách vui vẻ và lành mạnh. Nếu có bao nhiêu tiền đều bỏ ra mua sắm hết để đánh chén lu bù, thế là mừng Xuân một cách lạc hậu, thế là lãng phí, thế là không Xuân". Người còn làm thơ để nhắc nhở đồng bào, chiến sỹ vui Xuân tiết kiệm:
"Trăm năm trong cõi người ta,
Cần kiệm xây dựng nước nhà mới ngoan,
Mừng Xuân, Xuân cả thế gian,
Phải đâu lãng phí cỗ bàn mới Xuân".
Những lời dạy sâu sắc ấy của Bác Hồ cách đây đã gần 60 năm, song nó vẫn còn giữ nguyên giá trị. Giờ đây, chúng ta bước vào đón Tết Bính Thân trong điều kiện mức sống của nhân dân đã được nâng cao hơn trước rất nhiều. Có thể nói, hiện nay, cái ăn, cái mặc không còn là nỗi lo bức xúc thường nhật của đại đa số gia đình. Tuy nhiên, lời dạy của Bác Hồ, không nên dốc hết tiền ra mua sắm để đánh chén lu bù, thì vẫn chẳng bao giờ thừa. Đặc biệt, để thực hiện "Tết vui tươi, tiết kiệm'' theo lời dạy của Người, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần làm tốt một số vấn đề chủ yếu sau:
Một là, các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể chính trị, xã hội, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm cần quan tâm hỗ trợ cho các hộ nghèo, các gia đình đặc biệt khó khăn để sao cho mọi nhà, mọi người đều có Tết, ai ai cũng được đón Xuân tươi vui. Đây là truyền thống cao quý của dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng là nghĩa cử cao đẹp của nếp sống văn minh, hiện đại.
Hai là, các cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp và các địa phương, không được lấy tiền của công quỹ đi chúc Tết, biếu xén cán bộ cấp trên. Đây là vấn nạn, hiện đang khá phổ biến trong xã hội, gây bức xúc trong nhân dân. Chính vì thế, Đảng, Nhà nước cần có những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn tệ hại này.
Ba là, không được dùng công quỹ, tài sản chung để "chơi Tết" hoang phí. Trang trí Tết tại văn phòng của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp không được lấy hàng trăm triệu đồng của công quỹ để mua sắm địa lan, mai, đào, quất… tràn lan, bừa bãi. Đặc biệt, không được lấy tiền của công quỹ để mua sắm rượu ngoại, đồ nhậu cao cấp, đặc sản quý hiếm để tổ chức tiệc tùng, nhậu nhẹt tùm lum.
Bốn là, không được để dư âm Tết kéo dài, gây lãng phí thời gian, làm ảnh hưởng tới kế hoạch công tác, tới sản xuất, kinh doanh và học tập. Lãng phí thời gian gây ra thiệt hại khó lường. Bác Hồ đã từng dạy, thời gian là vàng, bạc, lãng phí thời gian là đem vàng bạc đổ đi và đó là điều ngu dại. Chính vì thế, hết thời gian nghỉ Tết, mọi người phải bắt tay ngay vào công việc, làm việc thật tốt, làm việc với khí thế mới mạnh mẽ hơn, đạt hiệu suất cao hơn.
Năm là, khi đi du Xuân, tham dự các lễ hội, mọi người không nên rải tiền bừa bãi, không nên mua quá nhiều hương, vàng mã để vừa "đốt tiền" lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường và tạo ra nếp sống thiếu văn hóa, làm mất cả thuần phong mỹ tục.
Ngoài ra, mỗi gia đình, mỗi cá nhân còn phải căn cứ vào khả năng kinh tế của mình để tính toán, cân đối chi tiêu cho một cái Tết hợp lý nhất. Thực hiện tốt các vấn đề nêu trên, chúng ta mới thực sự có một cái Tết vui, Tết đẹp, Tết văn minh, hạnh phúc theo đúng lời dạy của Bác Hồ.
PGS. TS. Hà Huy Thông