Bôn lậu - nhiều thủ đoạn tinh vi (ảnh minh họa)
Theo đó, Quí I/2018, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 905 vụ buôn lậu hàng cấm, gian lận thương mại và hàng giả với 492 đối tượng vi phạm; tổng trị giá hàng hóa vi phạm ước tính trên 7,6 tỷ đồng. Trong đó, lực lượng đã xử phạt 616 vụ với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính thu nộp ngân sách nhà nước đạt trên 8 tỷ đồng.
Chỉ tính riêng lực lượng Quản lý thị trường tỉnh đã bắt giữ 352 vụ và đã xử lý vi phạm hành chính, thu nộp ngân sách gần 4 tỷ đồng; lực lượng Công an bắt giữ và xử lý 268 vụ với trị giá tang vật ước tính 2,7 tỷ đồng, đã xử lý vi phạm hành chính 7 vụ với tổng số tiền nộp ngân sách 1,5 tỷ đồng; lực lượng Hải quan bắt giữ 54 vụ với trị giá ước tính trên 605 triệu đồng, đã xử lý vi phạm hành chính được 48 vụ với số tiền 573 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn: Ban Chỉ đạo 389 Lạng Sơn đã chỉ đạo các lực lượng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động chống buôn lậu của các đơn vị chức năng, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, đơn vị liên quan.
Các lực lượng Hải quan, Biên phòng cần tập trung lực lượng phối hợp kiểm tra, giám sát chặt biên giới, nhất là các hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, tình hình gian lận thương mại qua các lô hàng xuất nhập khẩu; tiếp tục củng cố, duy trì hoạt động chốt chặn trên một số đường mòn trọng điểm nhằm hạn chế tối đa tình trạng vận chuyển trái phép hàng hóa qua lối mòn, hai bên cánh gà cửa khẩu.
Tại nội địa, các lực lượng Quản lý thị trường, Công an, Thuế cần tăng cường kiểm soát việc sử dụng hóa đơn, chứng từ, nhất là hóa đơn bán hàng, hóa đơn GTGT đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh ở khu vực biên giới; kiên quyết xử lý các hành vi lưu thông hàng hóa có dấu hiệu nhập lậu, hàng trôi nổi trên thị trường, hàng trao đổi cư dân biên giới có biểu hiện vi phạm.
Ông Nguyễn Văn Trưởng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Lạng Sơn cho biết, từ sau tết Nguyên đán đến nay, tình hình buôn bán, vận chuyển hàng hóa qua biên giới giảm mạnh, các vụ việc bị bắt giữ đều là những vụ mang vác hàng nhỏ lẻ, tuy nhiên thủ đoạn mà các đối tượng buôn lậu sử dụng lại có dấu hiệu tinh vi hơn.
Hoạt động buôn bán, vận chuyển gia cầm lậu vẫn có những diễn biến phức tạp, chủ yếu tập trung ở khu vực biên giới Chi Ma (Lộc Bình). Tình hình buôn bán, vận chuyển các mặt hàng cấm như, ma túy, tiền giả, pháo nổ tiềm ẩn nhiều phức tạp. Các đối tượng sử dụng nhiều phương thức tinh vi, rất manh động, liều lĩnh và luôn thay đổi quy luật, thời gian, địa điểm nơi cất giấu hàng nên công tác điều tra, trinh sát, phát hiện và bắt giữ gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Lê Đức Thọ, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn, lực lượng phòng, chống buôn lậu vẫn còn một số khó khăn vướng mắc đang gặp phải nên hiệu quả chưa được như mong đợi.
Theo quy định tại Nghị định 12/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 01/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về địa bàn hoạt động hải quan thì địa bàn tỉnh Lạng Sơn có địa hình đồi núi hiểm trở, đi lại khó khăn, với nhiều đường mòn, lối mở, trong khi đó các đối tượng buôn lậu thường xuyên thay đổi thủ đoạn, phương thức khiến cho công tác kiểm soát địa bàn gặp rất nhiều khó khăn.
Trước tình hình đó, Cục Hải quan Lạng Sơn đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác kiểm soát năm 2018, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai tuần tra, kiểm soát, bố trí lực lượng trực 24/7, tập trung vào các địa bàn trọng điểm. Hải quan Lạng Sơn đã chỉ đạo các đơn vị cửa khẩu chủ động xây dựng kế hoạch, chuyên đề, xác lập, đấu tranh, xử lý các vụ việc lớn liên quan đến các mặt hàng như: thực phẩm, gia cầm, hàng gia dụng, điện tử, điện lạnh.
Nguyễn Kiên