Lực lượng quản lý thị trường Lạng Sơn kiểm tra hàng hóa
Lực lượng quản lý thị trường Lạng Sơn kiểm tra hàng hóa

Trong đó, tiền xử phạt vi phạm hành chính 2.305.450.000 đồng; tiền phạt bổ sung, truy thu thuế, nộp ngân sách Nhà nước 1.549.900.000 đồng; tiền thanh lý hàng tịch thu 473.810.000 đồng; trị giá tang vật tịch thu 424.928.000 đồng. Lực lượng chức năng Lạng Sơn khởi tố 19 vụ, với 29 đối tượng.

Cụ thể, trong tháng Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn kiểm tra, xử lý 177 vụ; tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính 1.246.260.000. Trong đó, số tiền xử phạt vi phạm hành chính 754.450.000 đồng; tiền thanh lý hàng tịch thu 473.810.000 đồng; trị giá tang vật tịch thu 18.000.000 đồng.

Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn, kiểm tra, xử lý 13 vụ; tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính 359.900.000 đồng. Trong đó, số tiền phạt hành chính 102.500.000 đồng; trị giá tang vật tịch thu 257.400.000 đồng.

Công an tỉnh Lạng Sơn, kiểm tra, xử lý 29; tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính 211.600.000 đồng. Trong đó, số tiền phạt 64.000.000 đồng; trị giá tang vật tịch thu 147.600.000 đồng.

Cục Hải quan Lạng Sơn kiểm tra, xử lý 177 vụ; tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính 822.100.000 đồng. Trong đó, số tiền phạt 822.100.000 đồng.

Theo lãnh đạo Ban Chỉ đạo 389 Lạng Sơn: “Trong tháng 8, hoạt động kinh doanh, dịch vụ thương mại diễn ra bình thường, thị trường hàng hóa sôi động hơn so với tháng trước, do nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, các mặt hàng thiết yếu, theo mùa vụ như lương thực, thực phẩm, sách vở, đồ dùng học tập, vật tư nông nghiệp,... cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân. Giá cả các mặt hàng tương đối ổn định, không phát hiện các hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến gây bất ổn thị trường”.

Theo đó, trong tháng hoạt động xuất nhập khẩu chủ yếu tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1088/2-1089, thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, lối thông quan Tân Thanh – Pò Chài (khu vực mốc 1090-1091), cửa khẩu quốc tế Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng, cửa khẩu song phương Chi Ma. Hàng xuất khẩu chủ yếu gồm nông sản, đồ gỗ mỹ nghệ, vật liệu xây dựng; hàng nhập khẩu chủ yếu là nông sản, hàng tạp hoá, đồ gia dụng, hàng tiêu dùng...

Trong tháng, các lực lượng chức năng thành viên Ban Chỉ đạo 389 Lạng Sơn, Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thành phố đã triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân không tham gia tiếp tay cho buôn lậu, vận động tố giác hành vi vi phạm; tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn toàn tỉnh; thực hiện kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và phối hợp tham gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng đối với mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, an toàn thực phẩm, đạt kết quả tích cực.

Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thành phố, triển khai thực hiện các kế hoạch, văn bản chỉ đạo của cấp trên. Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thực hiện Kế hoạch triển khai công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2024; thực hiện tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát, không để hình thành đường dây, điểm nóng về buôn lậu, hàng giả trên địa bàn.

Lực lượng chức năng Lạng Sơn bắt giữ lô hàng hóa vi phạm
Lực lượng chức năng Lạng Sơn bắt giữ lô hàng hóa vi phạm

Ông Đặng Văn Ngọc, Phó trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn đánh giá: "Dự báo trong thời gian tới thị trường hàng hóa sẽ diễn ra sôi động, nhằm phục vụ nhu cầu năm học mới 2024 - 2025 đối với mặt hàng văn phòng phẩm, đồ dùng học tập, quần áo; thực phẩm, nguyên liệu phục vụ Tết Trung thu năm 2024; thị trường vật tư nông nghiệp phục vụ vụ sản xuất nông nghiệp Hè – Thu năm 2024.

Nguy cơ xảy ra các hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, thực hiện các hành vi phạm trong kinh doanh; tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp"...

Ban Chỉ đạo 389 Lạng Sơn triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm:

Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản, ý kiến chỉ đạo của cấp trên về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Tập trung thực hiện nghiêm Thông báo số 381/TB-VPCP ngày 15/8/2024 Kết luận của đồng chí Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia;

Tiếp tục triển khai công tác kiểm tra, giám sát hoạt động chống buôn lậu của các đơn vị chức năng theo Kế hoạch số Kế hoạch số 106/KH-BCĐ ngày 2/7/2024 về kiểm tra của Ban Chỉ đạo 389 Lạng Sơn năm 2024; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, địa phương, đơn vị liên quan; đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, kịp thời động viên khích lệ tinh thần cho cán bộ, công chức, chiến sỹ trực tiếp nhiệm vụ chống buôn lậu; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với những cán bộ, công chức, chiến sỹ có dấu hiệu tiêu cực, tiếp tay cho buôn lậu, để phát sinh diễn biến phức tạp, nổi cộm về buôn lậu trên địa bàn tỉnh. Chú trọng quan tâm việc thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong chính các lực lượng chức năng trực tiếp làm nhiệm vụ;

Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Lạng Sơn thường xuyên nắm tình hình, tham mưu, đôn đốc thực hiện các kế hoạch công tác, chủ động đề xuất các giải pháp chỉ đạo thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường. Phối hợp với các lực lượng, các ngành chức năng tham mưu lãnh đạo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh triển khai các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn; chủ động, phối hợp với các lực lượng kiểm tra, kiểm soát hàng hóa thực phẩm phục vụ Tết Trung thu, đồ chơi trẻ em, văn phòng phẩm, đồ dùng học sinh, quần áo phục vụ năm học mới;

Các đơn vị chức năng tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chú trọng nhóm hàng hóa thực phẩm, đồ chơi trẻ em, xe đạp điện, máy tính, văn phòng phẩm, sách giáo khoa, phục vụ năm học mới và Tết Trung Thu năm 2024; phối hợp với cơ quan báo chí, truyền hình đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh về việc chấp hành các quy định của pháp luật; nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn những sản phẩm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng.

Thủ trưởng các Sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 389 các huyện, thành phố tiếp tục tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị tập trung lực lượng triển khai thực hiện tốt công tác điều tra, trinh sát, nắm tình hình, tổ chức kiểm tra, kiểm soát đấu tranh chống buôn lậu có hiệu quả, không để hình thành đường dây, tụ điểm, điểm nóng về buôn lậu diễn ra tại địa bàn, lĩnh vực phụ trách; trong đó chú trọng hoạt động xuất lậu hàng hóa thực phẩm tại khu vực các xã biên giới, gian lận thương mại qua xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu, vận chuyển gia cầm giống nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ;

Ban Chỉ đạo 389 các huyện có nguy cơ về vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm, thực phẩm đông lạnh tiếp tục tăng cường chỉ đạo các đơn vị chức năng, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn, nhất là các xã biên giới tiếp tục quyết liệt trong công tác chống buôn lậu, quy trách nhiệm cụ thể cho lãnh đạo cấp xã nếu để xảy ra tình trạng vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm, thực phẩm đông lạnh qua địa bàn.

Nguyễn Kiên