Lực lượng chức năng Lạng Sơn kiểm tra hàng hóa có dấu hiệu vi phạm
Trong đó, các đối tượng thường dùng thủ đoạn đưa hàng hoá từ biên giới tập kết vào nhà dân, sau đó sử dụng hóa đơn bán hàng, hóa đơn giá trị gia tăng để lưu thông trên thị trường, hàng hóa được xé lẻ vận chuyển trên các xe khách, xe tải theo nhiều cung đường nhằm trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng.
Hầu hết số hàng hoá khi bị kiểm tra, các đối tượng đều xuất trình hóa đơn bán hàng để chứng minh nguồn gốc hàng hóa.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, các tờ hóa đơn, phần lớn ghi tên các mặt hàng không cụ thể, không đúng tên thương phẩm của hàng hóa; giá trên hóa đơn rất thấp so với thực tế.
Đặc biệt, khi kiểm tra đối với cơ sở phát hành hóa đơn đều không có chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp, mua bán hàng hóa và xuất hóa đơn lòng vòng giữa các cơ sở kinh doanh.
Theo đại diện Cục Hải quan Lạng Sơn, hiện nay, tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh có khoảng 500 ki ốt, cửa hàng. Trong đó, có khoảng 400 hộ kinh doanh là người Việt Nam và trên 100 hộ kinh doanh là người Trung Quốc. Các hộ kinh doanh này có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và nộp thuế môn bài hàng năm theo quy định.
Đến nay, tình hình dịch Covid-19 trong nước cơ bản đã được kiểm soát, các ki ốt, cửa hàng đã dần hoạt động bình thường trở lại.
Tại đây, hàng hóa trao đổi mua bán ngoài số lượng do Việt Nam tự sản xuất, còn lại đều có nguồn gốc do doanh nghiệp mở tờ khai hải quan nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam qua cửa khẩu Tân Thanh và một số cửa khẩu khác xuất bán cho các ki ốt, cửa hàng (có hóa đơn GTGT mẫu số 01GTKT3/001 kèm theo bản sao tờ khai hải quan nhập khẩu).
Qua công tác kiểm tra, kiểm soát phương tiện vận tải ra vào tại khu vực cửa khẩu cho thấy, hàng hóa được vận chuyển từ cửa khẩu Tân Thanh vào nội địa trên các loại phương tiện vận tải đều có hóa đơn bán hàng (theo mẫu 02 GTTT3/001 do Cục Thuế Lạng Sơn phát hành), trên hóa đơn thể hiện người bán hàng là các hộ kinh doanh hóa đơn trên địa bàn mà không phải trực tiếp của các hộ kinh doanh hàng hóa (ki ốt, cửa hàng).
Trước tình hình trên, Cục Hải quan Lạng Sơn đã khảo sát và tìm hiểu tại các ki ốt, cửa hàng, được biết các hộ kinh doanh này chỉ bán hàng trực tiếp mà không phát hành hóa đơn giá trị gia tăng cho người mua hàng. Khi người mua hàng có nhu cầu cần lấy hóa đơn, chứng từ để vận chuyển vào nội địa thì sẽ được hợp thức hóa bằng cách mua hóa đơn bán hàng của những hộ kinh doanh hóa đơn (theo mẫu 02 GTTT3/001).
Bên cạnh đó, theo Cục Hải quan Lạng Sơn, trong quá trình xem xét xử lý các vụ việc vi phạm, khi tiến hành làm việc với các hộ kinh doanh hóa đơn để xác minh, làm rõ nguồn gốc hàng hóa xuất bán trên hóa đơn, xác định thực chất các hộ kinh doanh này không có hoạt động kinh doanh mua, bán hàng hóa mà chỉ xuất bán hóa đơn (mẫu 02 GTTT3/001) cho những người mua hàng cần hóa đơn để hợp thức hóa trong quá trình vận chuyển, lưu thông hàng hóa.
Cục Hải quan Lạng Sơn đã báo cáo UBND tỉnh, yêu cầu các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến lợi dụng hóa đơn bán hàng. Trong đó, chú trọng tập trung tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh, cửa khẩu Cốc Nam, thị trấn Đồng Đăng, hoạt động vận chuyển hàng hóa trên các tuyến đường từ biên giới cửa khẩu vào trong nội địa và các kho, điểm tập kết hàng hóa khác trên địa bàn tỉnh nhằm ngăn chặn hành vi buôn lậu.
Đồng thời, Cục Thuế tỉnh cũng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc cấp phát, sử dụng hóa đơn, phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, hộ kinh doanh hóa đơn trên địa bàn tỉnh có hành vi lợi dụng hóa đơn để tiếp tay, hợp thức hóa hàng cho hóa nhập lậu.
Nguyễn Kiên