Di tích Pháo đài Đồng Đăng do thực dân Pháp xây dựng từ năm 1940. Pháo đài gồm 3 tầng, chiều rộng 60m, chiều dài 100m. Bên trong pháo đài được thiết kế phức tạp. Theo tư liệu lịch sử, trong thời gian chống thực dân Pháp, Pháo đài Đồng Đăng trở thành lô cốt “bất khả xâm phạm”. Nhiều lần quân dân ta đánh chiếm pháo đài nhưng đều thất bại. Mãi đến năm 1944 – 1945, lợi dụng Nhật đảo chính Pháp, quân dân ta được lệnh khởi nghĩa và chiếm được pháo đài.
Sau chiến tranh biên giới 1979, Pháo đài Đồng Đăng đã bị phá huỷ ở mặt trên, 4 cửa ở 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc đều bị đổ nát, chỉ còn 2 cửa Đông và Tây có lối xuống hầm, tuy nhiên các bậc thang làm bằng sắt để xuống hầm đã bị cắt, đây là 2 lối duy nhất dẫn xuống đường hầm phía dưới.
Năm 2002, Pháo đài Đồng Đăng đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Đến ngày 31/12/2024 di tích Pháo đài Đồng Đăng đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia tại Quyết định số 4313/QĐ-BVHTTDL của Bộ Trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch. Ngày 6/2/2024, UBND huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia "Di tích lịch sử Pháo đài Đồng Đăng".

Trong chương trình, thừa ủy quyền của Bộ Trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên đã trao Bằng công nhận di tích Pháo đài Đồng Đăng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia cho Đảng bộ, chính quyền huyện Cao Lộc.
Nhân dịp này, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức khai mạc Lễ hội Đồng Đăng, khai trương Phố đi bộ Đồng Đăng. Lễ hội Đồng Đăng được chọn là lễ hội điểm của huyện Cao Lộc năm 2025. Lễ hội được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng Giêng hằng năm gắn liền với di tích đền Mẫu Đồng Đăng, nơi diễn ra các hoạt động tôn giáo - tín ngưỡng cầu mong sự may mắn, an bình, thịnh vượng.

Phố đi bộ Đồng Đăng được triển khai trên tuyến đường Hoàng Văn Thụ, đường Nam Quan, ngõ 5 đường Hoàng Văn Thụ và ngõ 6 Nam Quan thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao lộc, tỉnh Lạng Sơn với tổng chiều dài hơn 1,4km. Phố đi bộ được phân thành các khu vực như: khu mua sắm; khu ẩm thực; khu biểu diễn văn hóa, nghệ thuật và Khu trò chơi dân gian. Trong đó, kết hợp hài hòa giữa yếu tố tâm linh của đền mẫu Đồng Đăng, sự sôi động của chợ Đồng Đăng cùng vị trí địa lý thuận lợi hứa hẹn sẽ tạo nên một điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách. Thời gian tổ chức Phố đi bộ từ 18 đến 24 giờ các tối thứ 7, Chủ nhật hằng tuần và các ngày lễ, tết.
Triệu Thành