Các đại biểu tham dự lễ ký kết Quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự
Các đại biểu tham dự lễ ký kết Quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự

Theo Quy chế phối hợp, Công an tỉnh Lạng Sơn có trách nghiệm thường xuyên thông tin, cảnh báo cho nhà đầu tư, đơn vị thi công của 2 dự án về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, những sơ hở, thiếu sót trong quá trình thực hiện Dự án để chủ động các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý.

Công an tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo công an các đơn vị, địa bàn đảm bảo an ninh, an toàn phục vụ thi công, kịp thời đấu tranh, ngăn chặn các hành vi gây mất an ninh trật tự liên quan đến hai dự án trên; xác minh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến an ninh, trật tự, an toàn của các dự án.

Công an tỉnh Lạng Sơn chủ động hướng dẫn, giải quyết các thủ tục về cư trú, tạm trú cho nhân viên, người lao động và các kỹ sư, chuyên gia làm việc tại các công trình; quy trình về công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và quản lý hoạt động vận chuyển, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, đất đai, môi trường trong quá trình thực hiện các dự án; giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự có thể xảy ra giúp doanh nghiệp, nhà thầu yên tâm thực hiện...

Đại tá Vũ Như Hà, Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại lễ ký kết
Đại tá Vũ Như Hà, Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại lễ ký kết

Theo quy chế, 2 đơn vị thực hiện dự án (Công ty cổ phần cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng và Công ty Cổ phần cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh) có trách nhiệm tuân thủ, thực hiện đúng quy định của pháp luật về đầu tư, kinh doanh, bảo vệ môi trường, bảo hộ lao động, phòng chống cháy nổ cũng như các quy định khác có liên quan đến quá trình thi công dự án.

Cung cấp đầy đủ thông tin, kịp thời tài liệu liên quan đến dự án, tài liệu liên quan đến xác minh, điều tra, xử lý tội phạm khi Công an tỉnh Lạng Sơn có yêu cầu. Doanh nghiệp, chủ đầu tư các dự án có trách nhiệm thông báo, trao đổi với Công an tỉnh Lạng Sơn về tình hình an ninh trật tự, vụ việc và các dấu hiệu vi phạm pháp luật tại công trình.

Quy chế phối hợp nhằm thiết lập cơ chế phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa Công an tỉnh Lạng Sơn, Công ty cổ phần cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng và Công ty cổ phần cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh trong công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật phục vụ quá trình thi công dự án trên địa phận tỉnh Lạng Sơn. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm phối hợp giữa ba đơn vị, bảo đảm công tác phối hợp xử lý các tình huống phức tạp phát sinh trong quá trình thi công dự án kịp thời, nhanh chóng, vượt tiến độ đề ra.

Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao), thực hiện trên địa bàn các huyện: Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng và thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn; tổng chiều dài 59,87km bao gồm tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng dài khoảng 43,43km, tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam dài khoảng 16,44km. Dự án do liên danh Công ty cổ phần xây dựng Đèo Cả - Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Xây dựng Công trình 568 - Công ty cổ phần LIZEN là nhà đầu tư; tổng mức đầu tư hơn 11 nghìn tỷ đồng, được khởi công ngày 21/4/2024. Hiện UBND các huyện, thành phố phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan, chủ đầu tư đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục, giải phóng mặt bằng thi công Dự án.

Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh dài 93,35km. Điểm đầu tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn; điểm cuối tại nút giao Quốc lộ 3 thuộc xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng. Đoạn qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn, dự án cao tốc đi qua hai huyện Văn Lãng và Tràng Định dài 51,8 km; tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 14.331 tỷ đồng, trong đó, UBND tỉnh Cao Bằng đề xuất vốn ngân sách khoảng 9.800 tỷ đồng, nhà đầu tư huy động hơn 4.451 tỷ đồng. Dự án do liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng ICV Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả - Công ty cổ phần Xây dựng Công trình 568 làm chủ đầu tư. Dự án khởi công từ tháng 1/2024, đoạn đi qua địa bàn Lạng Sơn đang giải phóng mặt bằng thi công.

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu phát biểu tại buổi lễ
Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại lễ ký kết, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu ghi nhận, đánh giá cao việc Công an tỉnh Lạng Sơn và Tập đoàn Đèo cả cùng các doanh nghiệp đã phối hợp xây dựng, tổ chức ký Quy chế phối hợp bảo đảm an ninh trật tự tại Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng và đoạn tuyến Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Đây là 2 Dự án giao thông quan trọng của quốc gia, trọng điểm của ngành giao thông vận tải. Do vậy, để bảo đảm an ninh trật tự quá trình triển khai, thực hiện dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị Công an tỉnh Lạng Sơn, các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố, doanh nghiệp, nhà thầu tập trung phối hợp thực hiện tốt một số nội dung.

Cụ thể, đối với Công an tỉnh Lạng Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu đơn vị chủ động hướng dẫn, giải quyết các thủ tục về cư trú, tạm trú cho nhân viên, người lao động và các kỹ sư, chuyên gia làm việc tại các công trình; quy trình về công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và quản lý hoạt động vận chuyển, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, đất đai, môi trường trong quá trình thực hiện dự án. Thiết lập “đường dây nóng” thông tin liên lạc kịp thời theo từng cấp, từng hệ lực lượng từ tỉnh đến cơ sở; trao đổi làm việc, trực tiếp với cơ quan chức năng và doanh nghiệp. Nâng cao kỹ năng xử lý, phối hợp giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự có thể xảy ra. Khi có vấn đề, vụ việc xảy ra, khẩn trương tập trung xác minh, làm rõ để có biện pháp giải quyết kịp thời, sớm ổn định tình hình, giúp doanh nghiệp, nhà thầu yên tâm thực hiện dự án.

Đối với các đơn vị thực hiện dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu các nhà thầu tham gia dự án cần tập trung, bố trí đầy đủ nhân lực, phương tiện, máy móc; sau khi thi công xong phải làm tốt việc hoàn nguyên môi trường. Doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án cần đặc biệt quan tâm kiểm tra, giám sát nhà thầu xây dựng đảm bảo chất lượng; đồng thời tuân thủ quy trình, quy định, hạn chế thấp nhất sự cố về môi trường, sạt lở; tuyệt đối không để xảy ra tai nạn lao động; rà soát, bổ sung phù hợp vị trí các tuyến đường gom dân sinh dọc hai bên tuyến đường, đáp ứng nhu cầu đi lại và canh tác của người dân

Nhà đầu tư, doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành giải quyết kịp thời vướng mắc về thủ tục pháp lý trong quá trình thực hiện dự án. Chủ động quản lý người và tài sản; bố trí lực lượng bảo vệ đầy đủ, có nội quy rõ ràng, không để phát sinh tệ nạn xã hội, mất an toàn lao động, gây ô nhiễm môi trường; linh hoạt xử lý tình huống có thể phát sinh trong quá trình thực hiện dự án. Phối hợp với chính quyền địa phương và lực lượng Công an cơ sở chủ động quan tâm, hỗ trợ người dân có đất, công trình bị ảnh hưởng bởi dự án; bảo đảm điều kiện để người dân ổn định đời sống mới.

Đối với các sở, ban, ngành của tỉnh Lạng Sơn và chính quyền địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu đề nghị các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền để người dân đồng thuận, ủng hộ dự án; thực hiện công tác kiểm đếm, lập phương án đền bù, hỗ trợ, bố trí tái định cư đảm bảo đúng quy định. Chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc tại dự án; phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; khắc phục khó khăn vì mục tiêu chung. Trong đó, đặc biệt quan tâm phối hợp với lực lượng Công an đánh giá, tham mưu giải quyết vấn đề, vụ việc về an ninh trật tự, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án.

Triệu Thành