Tham gia cùng đoàn có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải; nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong; Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức và lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể của TP. Hồ Chí Minh, cùng lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, huyện Côn Đảo, lãnh đạo các sở, ngành, cựu tù Côn Đảo.
Tại nghĩa trang Hàng Dương, các đại biểu đã dâng hương, dâng hoa với lòng thành kính hướng về anh linh các bậc tiền nhân, các anh hùng liệt sĩ, đồng bào yêu nước. Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ: Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ.
Tại đây, các đại biểu dành phút mặc niệm tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, các mẹ Việt Nam anh hùng. Đồng thời, các thành viên trong đoàn nguyện tích cực học tập và nỗ lực làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chiến sĩ năm xưa, đến phút cuối cùng vẫn nguyên vẹn lý tưởng và tấm lòng kiên trung với cách mạng, với Nhân dân.
Sau nghi lễ dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, các đại biểu đã đến từng phần mộ dâng hương các liệt sĩ đang an nghỉ tại Nghĩa trang Hàng Dương, mộ cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, mộ nữ Anh hùng Võ Thị Sáu,…
Nghĩa trang Hàng Dương là nơi yên nghỉ của gần 2.000 chiến sĩ cách mạng và nhà yêu nước qua nhiều thế hệ kéo dài từ năm 1862 đến năm 1975, trong đó chỉ có 793 ngôi mộ lưu rõ danh tính, quê quán, phần còn lại là những ngôi mộ chưa xác định được danh tính. Nghĩa trang Hàng Dương đã được xếp hạng Di tích lịch sử đặc biệt cấp Quốc gia.
Cùng ngày, đoàn đại biểu cũng đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang Hàng Keo.
Tại đây, các đại biểu đã thắp những nén hương thơm tri ân sâu sắc đối với anh hùng liệt sĩ đã đấu tranh bất khuất và hy sinh vẻ vang vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, làm cho Côn Đảo trở thành một mảnh đất thiêng bậc nhất của Việt Nam.
Nghĩa trang Hàng Keo là chứng tích của thực dân đối với dân tộc, là một dấu tích của bao sự kiện đấu tranh cách mạng đối với mỗi liệt sĩ, mỗi con người, mỗi thời kỳ đấu tranh của nhà tù Côn Đảo. Theo đó, giai đoạn từ đầu thế kỷ 19 đến thời kỳ khủng bố trắng 1940 thực dân Pháp đã chôn cất hơn 10 nghìn tù nhân Việt Nam tại Nhà tù Côn Đảo. Hiện trạng ngày nay nghĩa trang chỉ còn lại rừng tự nhiên, rất nhiều hài cốt của các tù nhân nằm dưới lòng đất chưa được tìm thấy.
Nơi đây, hàng nghìn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc. Di tích nghĩa trang Hàng Keo đã được công nhận là Di tích Đặc biệt Quốc gia.
Nguyễn Tùng