Đó là yêu cầu trong phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân trong trường hợp giãn cách xã hội toàn tỉnh vừa được UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành tại Văn bản số 330/PA-UBND.

Theo đó, tỉnh Lào Cai đã đưa ra nhu cầu tiêu dùng và khả năng đáp ứng cho khoảng khoảng 750 nghìn người, nhu cầu tiêu dùng về hàng hóa thiết yếu của người dân trên địa bàn trong thời gian là 30 ngày, dự kiến như sau:

Đối với mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm:

Nhu cầu tiêu dùng: Lương thực (chỉ tính gạo tẻ): 7.425 tấn; Thịt, cá các loại: 5.652 tấn; Rau, củ quả các loại: 11.250 tấn; Trứng gia cầm: 11 triệu quả; Thực phẩm chế biến (thịt, cá hộp): 1 triệu hộp; mỳ gói, lương khô, cháo gói: 380.000 thùng; muối, gia vị: 12 tấn; dầu ăn: 450.000 lít; nước mắm, nước tương: 450.000 lít; nước uống đóng chai: 500.000 chai; đường sữa, bánh kẹo: 2.250 tấn; khăn giấy vệ sinh: 35.000 cuộn.

Khả năng cung ứng tại chỗ và nguồn khai thác khác: Đối với các mặt hàng lương thực: Một phần khai thác nguồn sản xuất tại chỗ (thị trường trong tỉnh) với sản lượng gần 5.000 tấn, gồm các mặt hàng gạo hạt tròn, gạo bắc thơm, gạo tám, séng cù…; một phần khai thác từ các tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Yên Bái gồm các mặt hàng gạo tám thơm, gạo dâu, khẩu hang… với sản lượng gần 1.000 tấn; phần còn lại khai thác từ các tỉnh đồng bằng Sông Hồng và khu vực phía Nam: gạo tám xoan, nàng thơm, hương lài… với sản lượng gần 1.500 tấn.

Đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống (gia súc, gia cầm; rau, củ quả các loại; trứng gia cầm): Khai thác nguồn cung tại chỗ gồm: sản lượng thịt hơi các loại của tỉnh trên 5.000 tấn, thủy sản 800 tấn (bao gồm cả cá nước ấm, cá nước lạnh); rau củ các loại 8.000 tấn (riêng quả su su khoảng 2.000 tấn); trứng gia cầm sản lượng khoảng 7 triệu quả. Đối với sản lượng khai thác từ các tỉnh khác: rau củ quả các loại: từ các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên, Sơn La với sản lượng khoảng 2.000 tấn, từ thị trường Trung Quốc trên 1.000 tấn; trứng gia cầm khai thác tại các tỉnh ngoài và thị trường Trung Quốc khoảng 4 triệu quả.

tỉnh Lào Cai đã đưa ra nhu cầu tiêu dùng và khả năng đáp ứng cho khoảng khoảng 750 nghìn người
Tỉnh Lào Cai đã đưa ra nhu cầu tiêu dùng và khả năng đáp ứng cho khoảng khoảng 750 nghìn người (Ảnh: Minh họa)

Đối với các mặt hàng thực phẩm chế biến (thịt, cá hộp); mỳ gói, lương khô, cháo; muối, gia vị; dầu ăn; nước mắm, nước tương; nước uống đóng chai; đường sữa, bánh kẹo; khăn giấy vệ sinh… 100% khai thác nguồn cung thị trường ngoài tỉnh và thị trường Trung Quốc.

Đối với mặt hàng xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) và than:

Nhu cầu tiêu dùng: Mặt hàng xăng dầu, nhu cầu tiêu dùng tại thời điểm bình thường gần 11.000m3 (trong đó 5.170m3 xăng, 5.830m3 dầu các loại), trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội dự kiến nhu cầu thực tế giảm khoảng 50% còn 5.500 m3 xăng dầu các loại; khí đốt (LPG) và than nhu cầu tiêu dùng 300 tấn.

Khả năng cung ứng và nguồn khai thác: Mặt hàng xăng dầu: 100% nguồn hàng khai thác tại các kho tỉnh ngoài, thường xuyên khai thác và dự trữ khoảng 10.000 m3 tại 01 kho dự trữ tại thành phố Lào Cai 4.000m3 và 88 cửa hàng tại 9 huyện, thị xã, thành phố.

Đối với mặt hàng khí hóa lỏng (LPG) và than tổ ong: 100% khai thác tại các tỉnh ngoài, đối với việc dự trữ khai thác tại 03 kho của 3 trạm chiết nạp và trên 200 cửa hàng bán lẻ chai LPG trên toàn tỉnh với sản lượng trên 300 tấn khí LPG; mặt hàng than khoảng trên 100 tấn.

Tỉnh Lào Cai cũng đề ra 9 giải pháp để thực hiện đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của Nhân dân trong trường hợp giãn cách xã hội toàn tỉnh, gồm:

(1). Giải pháp thông tin thị trường; (2). Giải pháp thông tin tuyên truyền; (3). Giải pháp điều chỉnh phương thức kinh doanh của các chợ truyền thống trên địa bàn; (4). Giải pháp thiết lập điểm tập kết hàng hóa tạm thời; (5). Giải pháp khai thác nguồn hàng; (6). Giải pháp nâng cao năng lực cung ứng của hệ thống phân phối; (7). Các giải pháp bán hàng hỗ trợ; (8). Giải pháp tăng cường hình thức bán hàng trực tuyến; (9). Giải pháp thiết lập khu vực trung chuyển hàng hóa.

Nguyễn Mạnh

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)