Dự án đầu tư xây dựng bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai giai đoạn 2 là một trong những công trình đạt tiến độ giải ngân ở mức cao. Ảnh Trọng Bảo
Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai giai đoạn 2 - một trong những công trình đạt tiến độ giải ngân ở mức cao (Ảnh Trọng Bảo)

Theo thống kê của tỉnh Lào Cai, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã phân bổ chi tiết vốn đầu tư công kế hoạch năm 2023 được 5.250/5.341 tỷ đồng, đạt 98,2% kế hoạch phân bổ vốn, còn lại 91 tỷ đồng chưa phân bổ thuộc nguồn vốn nước ngoài ODA. Số chưa phân bổ được là do thời điểm tháng 7/2022, tỉnh Lào Cai đã đăng ký nhu cầu kế hoạch vốn năm 2023, trong đó có đăng ký vốn dự kiến thực hiện Dự án Nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn huyện Bắc Hà, vốn vay Quỹ Cô oét. Tuy nhiên đến nay, dự án nêu trên chưa ký được hiệp định vay vốn, từ đó dẫn đến tỉnh Lào Cai không phân bổ vốn kế hoạch năm 2023 cho dự án này.

Đối với số vốn đã phân bổ, tỉnh Lào Cai đã thường xuyên rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn của dự án theo quy định; xây dựng kế hoạch giải phóng mặt bằng, lộ trình tháo gỡ vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng... Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh Lào Cai, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh cũng đã quyết tâm triển khai các giải pháp để đưa tỷ lệ giải ngân của tỉnh đạt cao.

Nhờ sự quyết tâm, vào cuộc của lãnh đạo các cấp, đến hết tháng 7, giá trị giải ngân của tỉnh Lào Cai thuộc nhóm khá của cả nước, trong đó giá trị giải ngân đạt 2.550 tỷ đồng/6.404 tỷ đồng (tăng 405 tỷ đồng so với tháng trước), bằng 40% kế hoạch đối với nguồn vốn theo các Nghị quyết HĐND tỉnh giao. Đối với nguồn vốn năm 2023 theo Quyết định số 1513 ngày 3/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ giao, giá trị giải ngân đạt 2.515 tỷ đồng/5.341 tỷ đồng, bằng 47% kế hoạch Trung ương giao.

Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân của tỉnh Lào Cai đang có xu hướng chậm lại (tháng 6/2023 so với tháng 5/2023 giải ngân tăng 8%, số tuyệt đối tăng 700 tỷ đồng; hết tháng 7 so tháng 6, thì 2 chỉ số này tương đương với 5% và 405 tỷ đồng). Như vậy, dự báo trong các tháng còn lại của năm 2023 thì áp lực giải ngân còn rất lớn.

Để đạt được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu, các đơn vị rà soát, cập nhật lại kế hoạch chi tiết giải ngân để điều hành theo từng tuần, từng tháng, với mục tiêu giải ngân cao nhất 100%; yêu cầu người đứng đầu các đơn vị sử dụng vốn cam kết giải ngân gắn với hoàn thành nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Lào Cai cũng giao Sở Giao thông vận tải – Xây dựng, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu, đặc biệt là giải quyết khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu; kiểm tra việc xây dựng, công bố giá, chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng theo đúng quy định; kiểm soát tình trạng biến động giá nguyên, nhiên vật liệu xây dựng và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, nâng giá trục lợi.

Đối với UBND các huyện thị xã thành phố, người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan và chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư; yêu cầu ban quản lý dự án, nhà thầu có tiến độ tổng thể, chi tiết, ký cam kết về tiến độ hoàn thành dự án; tăng cường quản lý hiệu lực, hiệu quả đất đai, nhất là nguồn gốc đất, quy hoạch sử dụng các loại đất… để đẩy nhanh công tác GPMB.

Ngoài ra, đề nghị UBND tỉnh Lào Cai còn yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương hoàn ứng khối lượng dư tạm ứng chuyển tiếp từ năm 2022 trước ngày 30/8/2023 và triển khai thi công đẩy nhanh giải ngân trong quý III/2023. Một số dự án có nguồn vốn lớn chưa giải ngân, như: Cầu biên giới qua sông Hồng tại xã Bản Vược và hạ tầng kết nối; dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường Bản Xèo - Dền Sáng - Y Tý; Bệnh viện Đa khoa huyện Bát Xát; đường kết nối tỉnh lộ… 

Hải Minh