Việc chuyển đổi các loại cây trồng, thủy sản có năng suất, phẩm chất tốt, thích ứng với điều kiện thời tiết bất thuận, thay thế diện tích trồng lúa kém hiệu quả đã giúp người dân nâng cao nhận thức trong việc đầu tư, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao hệ số sử dụng đất và giá trị thu nhập trên đơn vị canh tác.
Theo đó, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm tại 05 huyện Bát Xát, Văn Bàn, Bảo Yên, Bắc Hà, Bảo Thắng với các loại cây: rau màu 41,3 ha, dược liệu 02 ha, cây ngô 42,8 ha, cây trồng khác 14,8 ha.
Đối với diện tích đất không chủ động được nước tưới do thiếu nước, người dân chuyển đổi sang trồng một số giống ngô chịu hạn. Mô hình chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây dược liệu (cỏ ngọt) tại huyện Bát Xát với diện tích 02 ha với giá trị sản xuất ước đạt 175 triệu/ha/năm, cao hơn gấp 02 - 03 lần so với trồng lúa; trồng các loại rau như dưa chuột, cà chua, su hào, bắp cải,… tại huyện Bát Xát, Bảo Thắng 41,3 ha với doanh thu bình quân đạt từ 150 - 200 triệu đồng/ha.
Diện tích chuyển đổi sang trồng cây hàng năm 100,9 ha; chuyển đổi sang trồng cây lâu năm 93,8 ha; chuyển đổi sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản đạt 6,4 ha. Theo thống kê, năm 2023, huyện Bát Xát thực hiện chuyển đổi 04 ha, huyện Văn Bàn thực hiện chuyển đổi 26,3 ha, huyện Bảo Yên thực hiện chuyển đổi 06 ha, huyện Bắc Hà thực hiện chuyển đổi 14 ha, huyện Bảo Thắng thực hiện chuyển đổi 150,8 ha.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm tập trung tại huyện Văn Bàn 21,6 ha, Bảo Thắng 72,2 ha. Người dân chủ yếu chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả như bưởi, cam, chanh… là những loại cây ăn quả phù hợp điều kiện khí hậu, đất đai của địa phương và cho giá trị kinh tế cao.
Chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản tại huyện Văn Bàn 0,4 ha; nuôi cá chép xen trồng lúa trên ruộng bậc thang tại các thôn Bản Liền, Thải Giàng Phố, Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà với diện tích 06 ha. Giá trị thu thêm từ việc bán cá đạt khoảng 25 - 30 triệu đồng/ha.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa thường được thực hiện từ 1 - 2 vụ, sau đó quay trở lại trồng lúa. Bên cạnh đó chưa có cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa nên chưa khuyến khích được nhiều cá nhân, tổ chức tham gia.
Dự kiến năm 2024, nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của tỉnh Lào Cai là gần 252 ha. Trong đó diện tích chuyển đổi sang trồng cây hàng năm 147,4 ha; diện tích chuyển đổi sang trồng cây lâu năm 87,2 ha; diện tích chuyển đổi sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản 17,1ha.
Đỗ Biên