Ngày 9/5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức lễ công bố báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023. Theo báo cáo xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2023 cho thấy, tỉnh Quảng Ninh duy trì vị trí quán quân năm thứ 7 liên tiếp với 71,25 điểm. Đứng vị trí thứ 2 và thứ 3 là tỉnh Long An (70,94 điểm) và Hải Phòng (70,34 điểm); các vị trí trong Top 5 tiếp theo là Bắc Giang (69,75 điểm) và Đồng Tháp (69,66 điểm).
Tỉnh Lào Cai nằm trong Top 30 của PCI 2023, đạt 67,38 điểm, xếp thứ 26/63 tỉnh, thành phố, tụt 15 bậc so với năm 2022 (11/63). Tính riêng ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, Lào Cai xếp sau Quảng Ninh (1/63), Phú Thọ (10/63), Lạng Sơn (13/63) và Vĩnh Phúc (15/63).
Sau khi thí điểm vào năm 2022, VCCI đã hoàn thiện và công bố Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023. Đây là bộ chỉ số cung cấp thông tin đầu vào từ thực tiễn kinh doanh để hỗ trợ chính quyền các tỉnh, thành phố trong công tác quản trị môi trường, cân bằng giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và bền vững môi trường.
Kết quả xếp hạng PCI 2023 dựa trên khảo sát thường niên trên 8.000 doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân trong nước (doanh nghiệp tư nhân) tại 63 tỉnh, thành trên cả nước; 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; gần 6.000 doanh nghiệp mới thành lập. Kết quả khảo sát hản ánh trong báo cáo PCI và PGI 2023 cho thấy, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tiếp tục xu hướng cải thiện theo thời gian, với điểm số chỉ số PCI tổng hợp tại tỉnh trung vị của cả nước đạt 66,66 điểm năm 2023, tăng gần 1,44 điểm so với năm 2022. Nhiều tỉnh tiếp tục duy trì và có sáng kiến mới trong cải thiện môi trường kinh doanh.
Cùng với đó, công tác hỗ trợ doanh nghiệp có chuyển biến tích cực. Hầu hết các chỉ tiêu đánh giá về công tác triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của năm 2023 đều có sự cải thiện so với năm 2022; Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết phải chi trả chi phí không chính thức năm 2023 là 33,3%, giảm mạnh từ mức 66% của các năm 2015 - 2016 và mức kỷ lục 70% vào năm 2006 khi chỉ tiêu này lần đầu tiên được đưa vào khảo sát; Cải cách thủ tục hành chính đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt khoảng 77% doanh nghiệp cho biết việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến giúp tiết giảm nhiều thời gian và chi phí hơn cho doanh nghiệp so với các phương thức truyền thống. Điều này cho thấy những nỗ lực chuyển đổi số của các địa phương đã mang lại kết quả tích cực.
Nguyễn Mạnh