Để triển khai thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong những năm qua tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, kế hoạch triển khai thực hiện và được các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tích cực vào cuộc. Qua đó đã góp phần tạo chuyển biến tích cực: Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, tạo điều kiện thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp, công tác cải cách hành chính được quan tâm chỉ đạo và giám sát thường xuyên; các nhiệm vụ giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đã mang tại tác động tích cực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2.056 doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng 56.500 lao động, bình quân mỗi năm thu hút khoảng 2.000 lao động vào làm việc ổn định.
Ông Đinh Văn Thơ – Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh & xã hội tỉnh cho biết: Ngành đã tham mưu cho tỉnh ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, giáo dục nghề nghiệp trong các loại hình doanh nghiệp. Đến nay đã có nhiều doanh nghiệp đã triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật lao động, các chế độ, quyền lợi người lao động cơ bản được bảo đảm, không để xảy ra tranh chấp lao động phức tạp hoặc đình công, góp phần phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh, bảo đảm an sinh xã hội. Thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Việc làm năm 2013, ngày càng có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh đã có hơn 800 doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; có 13.267 lao động tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp. Việc thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động, như: Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nghỉ dưỡng sức, hưu trí, bảo hiểm thất nghiệp,.. cơ bản được thực hiện đúng, đủ, kịp thời.
Hội nghị gặp mặt và bàn các giải pháp phát triển du lịch giữa UBND tỉnh Lào Cai với các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nhờ tích cực triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là trong việc hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc là trong 2 năm (2018, 2019), các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo nghề được được gần 33 nghìn người ở các trình độ: Cao đẳng, trung cấp: 8.150 người; Sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng: 24.830 người. Với số lượng tuyển sinh và đang thực hiện đào tạo, sẽ góp phần cung ứng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hiện nay, toàn tỉnh có 21 ngân hàng thương mại và quỹ tín dụng nhân dân hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các ngân hàng thương mại trong tỉnh đã chủ động tổ chức gặp mặt, nắm bắt, tiếp cần nhu cầu vay vốn, cam kết tài trợ vốn cho các doanh nghiệp trên địa bàn; hỗ trợ cho các doanh nghiệp vay vốn với nhiều hình thức khác nhau (giảm các mức phí dịch vụ đối với khách hàng truyền thống, khách hàng chiến lược, tiềm năng; hỗ trợ tư vấn lập phương án kinh doanh, tư vấn tài chính cho doanh nghiệp, cơ cấu lại nợ...). Các ngân hàng tích cực đẩy mạnh cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, chỉ trong 2 năm 2018 – 2019 đã đạt 32.653 tỷ đồng, chiếm 47% tổng doanh số cho vay đối với doanh nghiệp; chất lượng tín dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa được đảm bảo, tỷ lệ nợ xấu của các doanh nghiệp này đến 32/12/2019 là 1,5%.
Bên cạnh đó, hỗ trợ về vay vốn tạo việc làm tăng thêm, là một trong những nội dung luôn được các doanh nghiệp nhỏ và vừa quan tâm, bởi vậy Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã Phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung kinh phí cho vay Quỹ quốc gia giải quyết việc làm cho các địa phương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được vay vốn mở rộng sản xuất thu hút người lao động vào làm việc. Đồng thời hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm đã được các đơn vị trong tỉnh tích cực triển khai nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kết nối tuyển dụng lao động theo nhu cầu của doanh nghiệp.
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong công tác cải cách hành chính luôn được tỉnh Lào Cai đặc biệt quan tâm; các đơn vị trong tỉnh thường xuyên rà soát thủ tục hành chính để thực hiện tại bộ phận một cửa để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chủ động thực hiện; thực hiện cắt giảm 30% thời gian giải quyết đối với nhiều thủ tục hành chính; đẩy mạnh việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp...Chỉ tính riêng năm 2019 đã có trên 37,5 nghìn lượt hồ sơ thực hiện cắt giảm 30% thời gian thủ tục hành chính, tiết kiệm được trên 17 tỷ đồng.
Là tỉnh có nhiều lợi thế về phát triển thương mại biên giới, hàng năm tỉnh Lào Cai đều quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực xúc tiến thương mại. Theo đó, hàng năm tỉnh đều phối hợp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tổ chức hội chợ thương mại quốc tế, hội nghị kết nối, xúc tiến xuất nhập khẩu hàng hóa ... để các doanh nghiệp nhỏ và vừa đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc; qua đó góp phần phát huy vai trò cầu nối của Lào Cai trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) – Lào Cai – Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và thị trường Việt Nam, các nước ASEAN với vùng Tây Nam (Trung Quốc).
Cùng với các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các lĩnh vực về thuế, hải quan; hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh; hỗ trợ công nghệ, cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật; hỗ trợ thông tin tư vấn pháp lý; hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo... đã góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và quần chúng nhân dân trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.
Nguyễn Mạnh