Ngày 21/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ là đơn vị đầu tiên thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19. 10 điểm tiêm còn lại là Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh và các điểm tiêm tại bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế tuyến huyện, thị xã, thành phố sẽ có lịch tiêm khác nhau, bắt đầu từ ngày 22/4.
Theo tổng hợp danh sách đối tượng tiêm vắc xin Covid-19 của ngành y tế, trên địa bàn tỉnh, nhóm tiêm miễn phí có tổng số 136.428 người. Nhóm ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt đầu tiên là 13.919 người.
Đến nay, ngành y tế đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để triển khai tiêm vắc xin. Theo đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tiếp nhận và bảo quản vắc xin Covid-19 tại kho của tỉnh và thực hiện cấp phát vắc xin Covid-19 cho trung tâm y tế ít nhất 3 ngày trước khi tổ chức tiêm chủng; đối với các bệnh viện tuyến tỉnh là 1 ngày trước khi tiêm hoặc ngay trước buổi tiêm.
Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố tiếp nhận vắc xin từ kho tỉnh về kho huyện để bảo quản và cấp phát cho các xã, các điểm tiêm chủng 1 ngày trước khi tiêm chủng hoặc cấp ngay trước buổi tiêm chủng. Tuyến xã hoặc cơ sở tiêm chủng sẽ nhận vắc xin từ tuyến huyện, bảo quản và sử dụng vắc xin đúng quy chuẩn trong buổi tiêm chủng.
Để đảm bảo tiêm vắc xin an toàn, đối với mỗi điểm tiêm sẽ bố trí tối thiểu ít nhất 3 nhân viên y tế, trong đó có 1 nhân viên y tế sàng lọc, 1 nhân viên y tế tiêm chủng vắc xin, 1 nhân viên y tế theo dõi đối tượng sau tiêm chủng.
Ngành y tế thực hiện bố trí điểm tiêm chủng theo quy tắc 1 chiều, đảm bảo khoảng cách giữa các bàn, vị trí tiêm chủng để phòng, chống dịch theo thứ tự: Khu vực chờ trước tiêm chủng → bàn đón tiếp, hướng dẫn → bàn khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng → bàn tiêm chủng → bàn ghi chép, vào sổ tiêm chủng → khu vực theo dõi và xử trí tai biến sau tiêm chủng.
Khu vực các bàn tiêm phải được vệ sinh sạch sẽ, sắp xếp gọn gàng, khoa học và thường xuyên lau chùi, khử khuẩn; bố trí khu vực nhà vệ sinh riêng và khử khuẩn hàng ngày; bố trí khu vực chờ trước tiêm chủng, sàng lọc, tư vấn, tiêm chủng, theo dõi và xử trí tai biến sau tiêm chủng 30 phút - 60 phút, đảm bảo thông thoáng, đủ ghế ngồi và giữ khoảng cách giữa các đối tượng được tiêm chủng, nhân viên y tế, người nhà.
Trong thời gian triển khai tiêm chủng, các đơn vị y tế sẽ duy trì thường trực cấp cứu, xử trí các trường hợp phản ứng, tai biến do tiêm chủng. Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh, huyện sẽ để trống tối thiểu 5 giường hồi sức tích cực tại bệnh viện để sẵn sàng xử trí trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng.
H.H